Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 18/02/2024 05:02
TMO - Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp.
Bắc Giang có 3 con sông lớn có lưu lượng nước quanh năm là sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương, với tổng chiều dài gần 350 km. Ngoài sông suối, trên địa bàn tỉnh còn có 274 hồ, đập chứa nước với tổng dung tích khoảng 382 triệu m3. Các hồ, đập chứa nước có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có hồ Cấm Sơn và hồ Khe Đặng có nhiệm vụ kết hợp cấp nước sinh hoạt; riêng hồ Cấm Sơn còn kết hợp phát điện.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái khí quyển và đại dương hiện đang trong điều kiện El Nino. Dự báo, trong ba tháng tới đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%; trong ba tháng tiếp theo, El Nino giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024 với xác suất khoảng từ 60-65% và theo thông tin dự báo nguồn nước của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số khu vực do xuất hiện nắng nóng gay gắt và thiếu hụt lượng mưa.
Để chủ động ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; đồng thời tập trung triển khai một số nhiệm vụ, cụ thể:
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm nước triệt để, chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 để phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Thường xuyên kiểm kê, đánh giá nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương nội đồng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ, thôn, ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước như: bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước.
Các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, bão dưỡng, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi do mình quản lý, khai thác; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, cống, cửa lấy nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đã hợp đồng, nhằm giảm thiểu tổn thất; kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích tưới của từng khu vực tưới của công trình để có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ chứa, vận hành công trình hồ chứa theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các huyện, thành phố, thị xã; chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo quy định pháp luật. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
Trung tâm nước và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tự kiểm tra công trình, phát hiện thay thế các thiết bị hư hỏng, sửa chữa hạng mục xuống cấp để có phương án vận hành công trình phù hợp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí...
Địa phương này đưa vào vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước đặc biệt trong mùa khô.
Hệ thống sông ngòi của tỉnh Bắc Giang có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, trong những năm qua, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dân số tăng; các hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi phát triển ngày càng mạnh mẽ, theo hướng quy mô lớn... lượng chất thải, nước thải, khí thải theo đó tăng cao. Trong khi, nhận thức, ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn thế. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, làm cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân về lâu dài.
Nguyên nhân dẫn tới nguồn nước các sông bị ô nhiễm là do nước thải của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, khu dân cư, khu đô thị... chưa được thu gom, xử lý triệt để gây tích tụ, ô nhiễm môi trường cục bộ. Tại sông Cầu, do nước thải của sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh đầu nguồn chảy xuống, cộng với khu đô thị, khu dân cư xung quanh chưa có hệ thống xử lý tập trung, xả trực tiếp nước thải ra sông Cầu... Riêng sông Lục Nam, ngoài các nguyên nhân trên, còn bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản...
Trước tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm, suy thoái, có nguy cơ cạn kiệt, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định, điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này. Cu thể như Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 48/2022/QĐ-UBND ngày 1/11/2022 về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh...
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tổ chức cấp phép khai thác tài nguyên nước; kiểm tra, xử lý các vi phạm... theo quy định.
Năm 2023, Sở TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh tại Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 10/7/2023; triển khai thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng đó, thường xuyên rà soát, cho ý kiến đối với các dự án có sử dụng nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước; tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, TP thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác nước trên địa bàn lập hồ sơ thủ tục tài nguyên nước theo quy định...
Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép, cấp phép theo ủy quyền 31 giấy phép tài nguyên nước; thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác nước của 26 tổ chức/cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Đơn vị đã thực hiện 2 đợt thanh tra đối với 10 doanh nghiệp về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; qua đó đã phát hiện xử lý vi phạm đối với 2 tổ chức khai thác, sử dụng nước dưới đất trái quy định.
Hoàng Bình
Bình luận