Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ năm, 02/11/2023 15:11
TMO - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong phát triển công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng với tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều dự án điện trọng điểm.
Theo Công ty Điện lực Bắc Giang (PC Bắc Giang), sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 tăng cao. Trong đó, lượng điện cung ứng cho công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ lớn. Theo đó, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 4,38 tỷ kWh, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng điện sử dụng cho công nghiệp - xây dựng đạt xấp xỉ 3 tỷ kWh, chiếm 68,45% tổng lượng điện, tăng 13,62%; điện cấp cho các khu công nghiệp (KCN) đạt hơn 2,24 tỷ kWh, tăng 23%. Lượng điện sử dụng cho thương mại, dịch vụ tăng 8,75%, điện sử dụng cho quản lý tiêu dùng tăng 9,5%. Tổng sản lượng điện tiêu thụ tăng là do sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại đang dần phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp. Đa số các doanh nghiệp (DN) trong KCN duy trì hoạt động ổn định.
Lượng điện cung ứng cho công nghiệp, xây dựng trên địa bàn tỉnh chiếm đến gần 70% tổng sản lượng điện thương phẩm. Ảnh: DH.
Theo ước tính đến năm 2025, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt hơn 8,9 tỷ kWh, nhu cầu công suất 1.650MW; đến năm 2030, điện thương phẩm là 16,7 tỷ kWh, nhu cầu công suất 2.900MW. Hiện nay, các phụ tải lớn dùng điện tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) và địa bàn thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang đang được nhận điện chủ yếu từ 2 trạm biến áp (TBA) 220kV Bắc Giang và Quang Châu. Để tăng khả năng cấp điện cho phụ tải trên địa bàn cần đầu tư TBA 220kV Yên Dũng, TBA 220kV Lạng Giang và các đường dây tuy nhiên quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc.
Theo phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh: Bổ sung 2 TBA 500 kV với tổng công suất 1.800 MVA; xây dựng mới 50 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 7 TBA 220 kV với tổng công suất 2.000 MVA; cải tạo, xây dựng mới 365 km đường dây 220 kV; xây dựng mới 49 TBA 110 kV với tổng công suất 5.457 MVA; xây dựng mới 350 km đường dây 110 kV.
Với việc xác định phát triển công nghiệp trọng tâm trong những năm tới, tỉnh đề xuất đầu tư đường dây và TBA 220 kV Yên Dũng và Lạng Giang, đóng điện trong năm 2025. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án 110 kV đã giao danh mục đầu tư như: Đường dây 110 kV Lục Ngạn - Sơn Động; đường dây 110 kV Bắc Giang - Lạng Sơn; đường dây 110 kV Bắc Giang - Đình Trám - Quang Châu...; cải tạo đường dây 110 kV Bắc Giang - Phả Lại; sớm giao danh mục đầu tư các dự án TBA 110 kV Quang Châu 3, Vân Trung 3. Ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn để nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng.
Với việc xác định phát triển công nghiệp trọng tâm trong những năm tới, tỉnh đề xuất đầu tư đường dây và TBA 220 kV Yên Dũng và Lạng Giang, đóng điện trong năm 2025 (Ảnh minh họa).
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, việc xây dựng TBA 220 kV tại Yên Dũng, Lạng Giang là việc làm cấp thiết, cần thực hiện sớm. Theo đó, yêu cầu đơn vị chuyên môn của Tập đoàn thực hiện các giải pháp, đưa công trình vào vận hành trong năm 2025. Cùng đó, các công trình liên quan đến bổ sung nguồn điện cho Bắc Giang cần khởi công kịp thời. Theo kế hoạch, công trình TBA 220kV Yên Dũng và đường dây dự kiến khởi công quý IV/2025, đóng điện quý IV/2026; TBA 220 kV Lạng Giang và đường dây khởi công quý III/2027, đóng điện quý IV/2028.
Tỉnh Bắc Giang đang tập trung đôn đốc các phần việc liên quan để thực hiện dự án. Dự án TBA 220kV Yên Dũng và đường dây đấu nối được xây dựng nhằm cấp điện cho các phụ tải tỉnh Bắc Giang nói chung và các KCN trên địa bàn huyện Yên Dũng nói riêng (đặc biệt là KCN Yên Lư); tăng cường độ ổn định lưới điện khu vực, giảm tổn thất công suất, điện năng trong hệ thống.
Các sở, ngành và UBND các huyện liên quan thực hiện thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) bảo đảm quỹ đất cho các công trình điện. Tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về tình hình phát triển các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, khu công nghệ cao... để ngành điện xây dựng các phương án, kịch bản cấp điện phù hợp cho từng giai đoạn và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng tăng. Bắc Giang xác định, đầu tầu phát triển trong thời gian tới là công nghiệp, phấn đấu 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Thời gian qua, việc phát triển mạnh công nghiệp khiến nhu cầu điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2030 có 29 KCN và 63 cụm công nghiệp. Về tình hình cung ứng điện, đến nay, lưới điện tỉnh Bắc Giang được cấp nguồn từ 4 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất đặt là 1.750 MVA; 19 TBA 110 kV; 196 đường dây trung áp với tổng chiều dài là 3.934 km; 14.357 km đường dây hạ áp.
Xác định điện có vai trò thiết yếu đối với sản xuất, đời sống, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang luôn sát sao, quyết liệt chỉ đạo UBND huyện, TP chủ động phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thi công dự án điện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện có thu hồi đất.
Địa phương này đề nghị EVN có hướng dẫn chi tiết về việc triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và chi phí cho việc lập, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư thống nhất chung các địa phương trên cả nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có quy định đặc thù cho dự án lưới điện trung, hạ áp theo hướng không phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này.
Cùng với bảo đảm cung ứng điện cho công nghiệp, xây dựng, ngành điện tỉnh Bắc Giang còn chú trọng cấp điện ổn định phục vụ bơm đổ ải, tiêu chống úng, cấp điện phục vụ thu hoạch nông sản,... PC Bắc Giang chủ động lập phương án cấp điện, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, sửa chữa, củng cố lưới điện, chuẩn bị vật tư, bố trí lực lượng trực xử lý sự cố; áp dụng công nghệ Hotline để sửa chữa thiết bị điện (không phải cắt điện khi sửa chữa), từ đó giảm thiểu thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy đối với khách hàng. Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương và Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng điện, kịp thời đề xuất các phương án, bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp.
Lê Sơn
Bình luận