Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 16:01
Thứ bảy, 14/12/2024 06:12
TMO - Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chú trọng phát triển. Để nâng cao năng suất, giảm dịch bệnh, người trồng sầu riêng đã tích cực ứng dụng công nghệ cao trong quá trình canh tác. Đáng chú ý, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức.
Tại Quyết định số 3238/QĐ-UBND nêu rõ, huyện Châu Đức cũng là vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hiện, ngoài vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao này tỉnh cũng đã có một doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao. Vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức có quy mô vùng 449,92 ha, với 467 hộ sản xuất kinh doanh sầu riêng của Hợp tác xã sầu riêng Liên Đức tại các xã Kim Long, Láng Lớn, Xà Bang của huyện Châu Đức.
Vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức đáp ứng được các yêu cầu: tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị sầu riêng trong vùng, tổ chức đầu mối là hai hợp tác xã gồm Hợp tác xã sầu riêng Liên Đức và Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê.
Sầu riêng là sản phẩm chủ lực của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với 90% diện tích trong vùng là giống sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh. Sầu riêng được sản xuất 100% cam kết sản xuất an toàn và cam kết tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Trong vùng đã có 9,8 ha sản xuất đã chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; 32,3% diện tích đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường nước này; sản phẩm trái sầu riêng tươi của Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Sầu riêng sản xuất theo quy trình thâm canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường.
Các hộ canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng quy trình canh tác bền vững với các công nghệ áp dụng như: Quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (ICM) trong quản lý sản xuất và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ dịch hại… Vùng sản xuất sầu riêng phù hợp phát triển tổng thể nông nghiệp của địa phương; phù hợp với quy hoạch vùng chuyên canh hàng hóa theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, có quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg trong đó có phê duyệt “vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao” huyện Châu Đức; phù hợp định hướng phát triển của Đề án số 04-ĐA/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Người dân sử dụng công nghệ tưới nước tự động cho cây sầu riêng. (Ảnh minh hoạ).
Toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 1.400ha sầu riêng, chủ yếu là giống Ri6 và Monthong Thái Lan. Năm nay, bình quân 1ha cho sản lượng khoảng 8-10 tấn, giảm từ 10-20% sản lượng so với năm 2023. Sản lượng sầu riêng toàn tỉnh vụ tháng 5/2024 ước gần 5 nghìn tấn.
Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã xây dựng thêm các mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu để bà con nông dân trồng sầu riêng có đầu ra, giá bán ổn định, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Để phát triển sầu riêng đạt chất lượng cao, đáp ứng như cầu thị trường, đồng thời giúp người dân giảm chi phí canh tác, giảm dịch bệnh gây hại trên cây sầu riêng, trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với các địa phương, các vùng trồng triển khai tập huấn, hướng dẫn và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại đáp ứng quy định của nước nhập khẩu trước mỗi vụ thu hoạch hàng năm.
Đồng thời đẩy mạnh việc hướng dẫn các vùng trồng chủ động kiểm soát sinh vật gây hại; ghi chép lữu trữ hồ sơ nhật ký điện tử, ... nhằm bảo đảm các điều kiện duy trì mã số, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đồng đều về chất lượng và mẫu mã; giám sát, quản lý chặt những đối tượng sinh vật gây hại. Đặc biệt chú trọng khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế cho người nông dân.
Bên cạnh đó, mục tiêu chung mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại... Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 585-KL/TU ngày 19/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025.
Bà Rịa-Vũng Tàu còn hướng đến mục tiêu sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm, thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2025 là 4,3%.
Phấn đấu xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất cho người nông dân…/.
Thu Trang
Bình luận