Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 26/12/2023 05:12
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực tiếp cận nguồn lực đất đai.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2022, toàn tỉnh có 1.007 dự án có đất thu hồi với tổng diện tích hơn 23.145ha. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh cấp cho 476 dự án với hơn 13.198ha. Tính đến nay, các địa phương đã thực hiện 204 dự án với 554,85ha, đạt tỷ lệ 20,26% về số lượng dự án và 2,4% về diện tích. Số lượng dự án đang thực hiện là 231 dự án với 7.568,69ha, đạt tỷ lệ 22,94% về số lượng dự án và 32,7% về diện tích. Có 572 dự án chưa thực hiện với diện tích hơn 15.000ha, chiếm 56,8% về số lượng dự án và 64,9% về diện tích.
Thị xã Phú Mỹ cũng là địa phương có nhiều dự án chưa hoàn thành. Cụ thể, giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn thị xã có 201 dự án với tổng diện tích hơn 4.505ha nằm trong danh mục dự án có thu hồi đất. Đến nay, 20 dự án đã hoàn thành, 151 dự án đang thực hiện, 30 dự án chưa triển khai thực hiện. Tại TP Vũng Tàu, giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn thành phố có 256 dự án với tổng diện tích hơn 8.520ha được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án có thu hồi đất để triển khai thực hiện. Tính đến nay, 46 dự án đã hoàn thành việc thu hồi đất, 128 dự án đang thực hiện thu hồi đất, 82 dự án chưa thực hiện việc thu hồi đất. Ngoài ra, 2 dự án đăng ký chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, với diện tích 1ha.
Hiện toàn tỉnh có 572 dự án chưa thực hiện với diện tích hơn 15.000ha. Ảnh: QV.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, giai đoạn 2020-2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành 7 nghị quyết về danh mục dự án cần thu hồi đất, 7 nghị quyết về danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất. Qua giám sát, đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án đã được phê duyệt. Cấp huyện chưa phân công lãnh đạo làm đầu mối để xử lý, giải quyết việc lập danh mục dự án và đánh giá kết quả thực hiện. Công việc này chủ yếu do các phòng chuyên môn trực tiếp xử lý, giải quyết và làm việc với chủ đầu tư. Công tác tuyên truyền để chủ đầu tư, gia đình, cá nhân nắm và hiểu được quy định của pháp luật liên quan đến việc đăng ký nhu cầu xin thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong năm tiếp theo chưa thật sự sâu rộng, chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn…
Nguyên nhân của các dự án chưa thực hiện thu hồi đất là do số lượng dự án triển khai trên địa bàn lớn, nguồn gốc quá trình sử dụng đất phức tạp, chồng lấn ranh giữa các hộ, chồng lấn ranh giới với diện tích đất rừng, người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện dự án…
Trước thực trạng tỷ lệ thực hiện dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2020-2022 đạt thấp, Sở TN&MT đã đề ra giải pháp tăng cường công tác hậu kiểm để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, nhắc nhở người sử dụng đất sớm đưa đất vào sử dụng, tránh vi phạm pháp luật.
Theo đó, hàng năm Sở TN&MT phê duyệt kế hoạch kiểm tra tình hình sử dụng đất đối với các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và dự án đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình hình sử dụng đất đối với 21 tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và dự án đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng.
Sở TN&MT cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đúng mục đích, tránh hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực tiếp cận nguồn lực đất đai, Sở TN&MT phối hợp với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố theo dõi các dự án đã được giãn tiến độ đầu tư, dự án chưa hoàn thành thủ tục bàn giao đất thực địa, đôn đốc tiến độ thực hiện và xử lý dự án chậm triển khai theo quy định. Đối với dự án xác định chưa đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ đã được phê duyệt, Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh xem xét việc gia hạn sử dụng đất cho phù hợp. Đồng thời, Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tiến độ đầu tư các dự án đã được phê duyệt…
Sở TN&MT triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TK.
Trước đó, địa phương này đã tiến hành phân nhóm để thuận tiện cho công tác rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như, đối với các dự án chậm triển khai trong Khu công nghiệp, Ban quản lý các Khu công nghiệp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, xử lý việc chậm triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý.
Các dự án ngoài khu công nghiệp; nếu đã được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận dụng đất mà không thực hiện thủ tục đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý dự án theo quy định pháp luật đất đai. Nếu có thực hiện thủ tục đầu tư thì Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, tham mưu UBND tỉnh xử lý việc chậm triển khai dự án; đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm bắt. Đối với các lĩnh vực khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch kiểm tra xác định dự án không thực hiện đúng tiến độ; tổ chức lấy ý kiến các ngành và phương án xử lý.
Các dự án đã chấm dứt hoạt động dự án, chấm dứt văn bản chủ trương thì các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương phối hợp rà soát, xử lý các thủ tục có liên quan báo cáo UBND tỉnh xử lý. Còn các dự án mà UBND tỉnh có văn bản ủng hộ về chủ trương thực hiện dự án đầu tư hoặc văn bản thỏa thuận địa điểm dự án, chưa lập thủ tục đất đai, không thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, UBND các địa phương có trách nhiệm rà soát, kịp thời đề xuất phương án xử lý.
UBND tỉnh cho biết, việc phân nhóm như trên để thuận tiện cho các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, bám sát các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất phương án xử lý đúng theo quy định. Các đơn vị cũng cần xây dựng quy chế phối hợp trong xử lý các dự án chậm triển khai, trong đó tập trung rà soát phương án xử lý các dự án chậm triển khai đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi...
V. Quang
Bình luận