Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 02:11
Thứ năm, 02/05/2024 19:05
TMO - Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch, đến chiều ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Cả thế giới nhắc đến Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ với sự yêu mến, khâm phục.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX. Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam in đậm dấu ấn trong những quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ, hy sinh của cả dân tộc để đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thắng lợi hoàn toàn.
Lực lượng dân công vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Theo Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong quyết định kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch phù hợp, đúng, hiệu quả. Triển khai thực hiện chiến dịch, ngày 26/11/1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng chiến dịch dẫn đầu Đoàn tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Qua nắm bắt tình hình, Đoàn đã nghiên cứu cân nhắc hai phương án: tiến công tiêu diệt địch nhanh, gọn hoặc bao vây đánh dần từng bước, cuối cùng quyết định lựa chọn “dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch”, tranh thủ thời cơ thực hiện đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi khi địch chưa kịp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Ngày 5/1/1954, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận lên đường ra mặt trận. Ngày 14/1/1954, Hội nghị cán bộ chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì họp ở Sở chỉ huy lâm thời tại hang Thẩm Púa. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, toàn thể hội nghị thống nhất ý kiến là nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, quyết tâm diệt gọn toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong một trận. Hội nghị quyết định thời gian nổ súng vào ngày 20/1/1954. Dự kiến chiến dịch diễn ra trong 3 đêm, 2 ngày liên tục. Mặc dù công tác chuẩn bị để “đánh nhanh, giải quyết nhanh” được tiến hành rất khẩn trương, nhưng gần đến ngày nổ súng mà các đơn vị pháo binh tham gia chiến dịch vẫn chưa đưa hết pháo vào vị trí quy định. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công đến ngày 25/1; tuy nhiên, gần đến ngày 25/1, lại quyết định lùi thời gian nổ súng sang ngày 26/1/1954.
Quá trình tổ chức chuẩn bị chiến trường để thực hiện phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, ta đã nắm được sự thay đổi lớn của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng địch đã được tăng cường lên hơn 13 tiểu đoàn, hệ thống trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, phía tây trước đây còn là nơi sơ hở, nhưng đến lúc này chúng đã đóng thêm 2 cứ điểm, đồi Độc Lập trước đó chỉ là một vị trí tiền tiêu, nay được tăng cường thêm lực lượng và tổ chức thành một cụm cứ điểm nhỏ, ở phía nam phân khu Hồng Cúm trước đó chỉ là một cứ điểm nhỏ, nay địch tổ chức thành cụm cứ điểm mạnh, có sân bay, pháo binh có thể cùng khu trung tâm Mường Thanh yểm hộ lẫn nhau. Điện Biên Phủ đã được thực dân Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm rất mạnh.
Chiều ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu
Trước tình hình địch tăng cường lực lượng và bố trí trận địa ở Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi, ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định họp Đảng ủy Mặt trận. Tại Hội nghị, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ của mình xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa và khẳng định, quân ta không thể đánh theo kế hoạch đã định, nếu đánh là thất bại. Với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng đã đưa ra quyết định, chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; đồng thời, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, lệnh cho bộ đội toàn tuyến rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Ngày 30/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ký mật danh Hưng) điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị về phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Với quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nảy sinh rất nhiều vấn đề khó khăn: Chiến dịch kéo dài, ác liệt hơn; mọi công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và hợp đồng trên toàn mặt trận sẽ phải xây dựng lại.
Nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, các lực lượng đã khẩn trương hoàn thành các công việc cần thiết để bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Ngày 13/3/1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch, đến chiều ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Có được thắng lợi này là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp có tính chất quyết định là sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện bản lĩnh kiên định, trí tuệ sắc sảo, tư duy quân sự sáng suốt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và ý chí quyết chiến, quyết thắng của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Sức mạnh đại đoàn kết và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc
Theo Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, quá trình tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đã động viên và phát huy thường xuyên được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ… đều đẩy mạnh hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhân dân và nhiều vùng đất đai. Cùng với đó, lực lượng quần chúng khắp mọi nơi tích cực đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian, binh, địch vận… phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó và bị thất bại ngày càng nặng nề.
Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược diễn ra ở xa hậu phương của ta, nơi có địa hình và khí hậu rất khó khăn, phức tạp, hệ thống đường sá, giao thông chiến lược để phục vụ cơ động lực lượng và vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch hầu như chưa có. Cho nên, việc cung cấp, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ quy mô lớn, diễn ra dài ngày về vật chất hậu cần, kỹ thuật với một khối lượng chưa từng có là điều hết sức khó khăn; đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của toàn dân tộc.
Trước thử thách, khó khăn đó, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị, vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Nêu cao tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các địa phương đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền” cho chiến dịch. Đây là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ. Với lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phát huy cao nhất truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh cả nước, thực hiện toàn dân đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, nhất là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng giao chiến, trận công kiên lớn nhất với những nỗ lực cao nhất về quân sự của cả ta và địch. Cho nên, ở đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô vàn khó khăn, gian khổ với nhiều tổn thất, hy sinh. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước kết thành ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, làm cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng.
Mặc dù lần đầu tiên quân đội ta đối đầu với một đội quân nhà nghề phương Tây trong một trận đánh công kiên lớn, nhưng nhờ có sức mạnh chính trị, tinh thần, kỷ luật và thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta, khắc chế được sức mạnh của địch. Đặc biệt, thông qua quán triệt các mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện việc chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tiến hành học tập, kiểm thảo, chỉnh quân chính trị, phát động lòng căm thù giặc trong và sau mỗi đợt tiến công của chiến dịch đã làm cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao nhất trong cán bộ, chiến sĩ và thanh niên, dân công tham gia chiến dịch. Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… và hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, góp phần quyết định làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bài tiếp: Phát huy bản lĩnh, trí tuệ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào đổi mới, xây dựng đất nước
QUỲNH VÂN (Ghi)
Bình luận