Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ ba, 24/10/2023 19:10
TMO - Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam được đánh giá là tổ chức hội hoạt động hiệu quả với nhiều đóng góp cho chính sách pháp luật và lợi ích cộng đồng, xã hội.
Được thành lập vào tháng 11/1988, đến nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã trải qua chặng đường 35 năm và 35 năm tuy chưa phải là quãng thời gian quá lâu nhưng cũng đủ để nhận thấy những hiệu quả mang lại cho phát triển kinh tế-xã hội mà VACNE đã đóng góp trước đó. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu được thành lập theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trong 35 năm qua, VACNE đã triển khai nhiều hoạt động (chủ yếu là những hoạt động mang tính chủ động thường xuyên và cả những hoạt động mang tính liên kết, phối hợp). Trong đó, nổi bật là 5 nhóm hoạt động thường xuyên được VACNE duy trì trong suốt 35 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2018-2023. Cụ thể như sau:
Truyền thông
Trong nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tiếp tục được cải thiện. Có thể nói, mỗi tổ chức của Hội, nhiều hội viên của Hội là những tuyên truyền viên tốt về bảo vệ môi trường. Các đơn vị trực thuộc, các hội viên thành viên ở các địa phương đã kết hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau mang lại hiệu quả cao trong điều kiện hạn chế về tài chính, có tác dụng tốt với cộng đồng.
Các hội thành viên ở các địa phương thường xuyên tiến hành các hoạt động truyền thông nhân dịp kỷ niệm các sự kiện môi trường, thông qua các lớp tập huấn, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Công tác truyền thông thường kết hợp với tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng luôn được Trung ương Hội và các hội địa phương chú trọng tổ chức thực hiện. Ban Truyền thông và Môi trường đã có nhiều cuộc họp với các đơn vị truyền thông của Hội nhằm chuẩn hóa và sắp xếp khoa học hơn các hoạt động truyền thông của các đơn vị thành viên. Các ấn phẩm của hội thành viên thường xuyên đăng tải các tin hoạt động của Hội. Web.vacne.org.vn tiếp tục phát huy sức mạnh là một trong hai kênh truyền thông chính của Hội. Các tin mới do VACNE biên soạn được đăng tải hằng ngày. Lượt truy cập liên tục tăng, hiện nay đạt mức bình quân trên 15.000 lượt/ngày đối với trang tiếng Việt và trên 8.000 lượt/ngày đối với trang tiếng Anh.
Nhiều cuốn sách, tài liệu đã xuất bản của Hội được đánh giá tốt, sát với các chủ đề quan trọng được nhà nước đặt hàng, phát hành với số lượng lớn. Có thể kể đến các ấn phẩm mang tên Hội được phát hành trong nhiệm kỳ qua: Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (2018); Môi trường và Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu (2019); Những không gian sinh thái đặc dù dãy Trường Sơn (2019); Ứng phó với biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ cộng đồng (2019); Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam tập III (2020); Thương hiệu Doanh nghiệp Xanh cho phát triển bền vững (2023)....
Đặc biệt, năm 2021, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường ra mắt bạn đọc là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động truyền thông của Hội. Đây là kênh thông tin chính thống, là tiếng nói của Hội trong bối cảnh các hoạt động tài nguyên thiên nhiên, môi trường đang được chú ý và nhận được nhiều quan tâm hơn của xã hội bởi tài nguyên thiên nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, việc Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường ra mắt bạn đọc cũng đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội trong suốt hàng chục năm qua.
Tư vấn, phản biện xã hội
Tu vấn, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hội, đồng thời cũng là thế mạnh truyền thông của Hội. Hội là địa chỉ tin cậy của cộng đồng, thường xuyên đưa ra các ý kiến tư vấn, phản biện khách quan, khoa học đối với các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường bức xúc trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và khắp các địa phương.
Đại diện Hội là thành viên nhiều hội đồng tư vấn quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững, Hội đồng quốc gia về Biến đổi khí hậu, Cơ quan tư vấn quốc gia về xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP Việt Nam... Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Không có một văn bản quy phạm nào về tài nguyên và môi trường mà không có ý kiến tư vấn, phản biện của VACNE và các hội viên”. Đồng thời, tư vấn, phản biện có chất lượng đối với hầu hết các chiến lược, các kế hoạch hành động quốc gia, chiến lược hành động ngành và địa phương liên quan đến tài nguyên và môi trường.
Các chuyên gia của Hội đã đóng góp tích cực, có chất lượng cho việc soạn thảo các Luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường 1993, 2004, 2014, 2020 (chủ biên soạn thảo dự thảo chương về cộng đồng); Luật Đa dạng sinh học 2008 (chủ biên soạn thảo chương về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích); Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010, các luật về Lâm nghiệp, Thủy sản, Biển và hải đảo, Tài nguyên nước…
Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa được đồng thuận, nhưng nhiều ý kiến tư vấn, phản biện xã hội quan trọng của Hội đều được chấp nhận như: Đề xuất sớm ban hành Luật Bảo vệ môi trường (1993); Yêu cầu không cho phép Công ty Vedan thử nghiệm đồ chất thải ra biển (năm 1997); Điều chỉnh phương án đường Hồ Chí Minh đoạn qua VQG Cúc Phương (năm 2000); Kiến nghị dừng triển khai dự án Tam Đảo II (năm 2006); Kiến nghị cần tiến hành thử nghiệm trước khi khai thác bauxit ở Tây Nguyên; Kiến nghị không nhận chìm chất thải của nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển như dự kiến (năm 2017).
Giao lưu Nhân dân
Nhiều năm qua, giao lưu nhân dân là một trong những hoạt động được Hội thường xuyên thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là hình thành các tổ, nhóm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại các cơ quan, đơn vị nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệp, giải pháp thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, thiết thực hơn, nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Đồng thời, không ngừng triển khai các hoạt động gắn kết cộng đồng, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, khoa học trong chuyển đổi áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hợp tác quốc tế
Hội là đầu mối tiếp xúc với nhiều đối tác, tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm thông tin, trao đổi, thực tập về tài nguyên và môi trường. Hội đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện thành công chủ trương “xã hội hóa” tẩy độc dioxin bằng công nghệ vi sinh tại A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Định kỳ tổ chức có kết quả các hội thảo và tập huấn khoa học về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và ĐMC với Hàn Quốc, sau đó mở rộng với Nhật Bản và Trung Quốc. Hội thảo đầu tiên tổ chức năm 2007 tại Hà Nội. Sau đó, 2 năm 1 lần tổ chức tiếp theo tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Vinh. Lần thứ 6 năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng với tên gọi “ Đánh giá tác động và hậu quản lý” mở rộng cho 4 nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam với số khách quốc tế kỷ lục trên 60 đại biểu.
Lần đầu tiên trong khu vực, phối hợp với Diễn đàn Môi trường và Con người Hàn Quốc (HEF) tổ chức công nhận sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường, an toàn đối với sức khỏe cộng đồng. Hội đã tổ chức các chuyến đạp xe xuyên quốc gia truyền thông môi trường nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc (Năm 2010, Hà Nội-Lạng Sơn-Nam Ninh), Việt Nam-Lào (năm 2012, Hà Nội-Vinh-Viên Chăn). Tham gia một số đề tài NCKH với các nước trong khu vực (dự án TAI), với Thụy Điển. Một số hội thành viên là thành viên của các tổ chức quốc tế và khu vực như Mạng lưới không khí sạch châu Á (ACE), Diễn đàn các nhà báo môi trường châu Á... Trong hai năm (2021, 2022), Hội hợp tác với Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) tổ chức Hội thảo quốc tế trực tiếp và trực tuyến về “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng” do Bộ Môi trường Anh tài trợ. Sau đó Bộ Môi trường Anh tiếp tục hỗ trợ Hội thực hiện dự án NCKH cùng tên.
Bảo tồn, vinh danh Cây Di sản
Với 35 năm trưởng thành và phát triển, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam luôn giữ vững vai trò nòng cốt của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong sự nghiệp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường của đất nước. Trong đó, sự kiện Bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam được khởi xướng, triển khai từ năm 2010 là sáng kiến quan trọng, trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường. Ngoài ra, sự kiện góp phần cải thiện đời sống người dân từ hoạt động du lịch, sản phẩm xanh và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Có thể nói, trong lớp vỏ sần sùi thô ráp của trên 7.000 cây cổ thụ, tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước và ngoài hải đảo được Hội công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong mười ba năm qua, vẫn lưu giữ cả triệu mùa Xuân cùng muôn vạn sự kiện lịch sử - văn hoá. Sau khi được vinh danh Cây Di sản, những cây cổ thụ càng được cộng đồng quan tâm, bảo vệ và chăm sóc tốt hơn. Chính vì thế, trong suốt 13 năm qua, các buổi Lễ gắn bia, cách thức tổ chức chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản Việt Nam tại các địa phương rất đa dạng và phong phú. Có buổi lễ công bố Cây Di sản được tổ chức như một lễ hội lớn của địa phương với hàng nghìn người tham gia. Nhiều buổi lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản được gắn với Hội làng, Ngày Đại đoàn kết toàn dân...
Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, GS. TSKH, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Hùng chia sẻ: Việc chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ cây rừng, cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam chính là bảo vệ dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng, sự sống của mỗi con người, cho mỗi dòng họ, cho cả làng xóm quê hương và đất nước. Cây cối nói chung và cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam nói riêng, dẫu trải qua thăng trầm của lịch sử cùng đất nước – ngày nay Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh nhưng hình bóng những cây này vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương, xứ sở, là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn các thế hệ của 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là cách hiện hữu để ngăn chặn suy giảm chất lượng môi trường của Trái Đất, tránh cho nhân loại một thảm họa môi trường có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Xây dựng, phát triển tổ chức hội
Phát triển tổ chức Hội bao gồm tăng số lượng hội viên tập thể, hội viên cá nhân và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội là nhiệm vụ chiến lược của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Hội liên tục phát triển về số lượng các đơn vị thành viên và sô hội viên. Tính đến nay Hội đã có trên 210 đơn vị trực thuộc và hội viên, trong đó có 25 đơn vị trực thuộc; 16 tổ chức trực thuộc; 30 các hội thành viên tại các địa phương; 60 chi hội các Bộ, ngành, viện nghiên cứu và 80 doanh nghiệp-hội thành viên. Văn phòng Hội (Hà Nội và TP. HCM) gọn nhẹ, coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc. Công tác nâng cao năng lực hoạt động của Ban chấp hành và Ban Thường vụ của Hội được chú trọng. Trong đó, Ban Kiểm tra, Hội đồng Khen thưởng, Hội đồng Khoa học, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Ban Tư vấn-Phản biện xã hội, Ban Truyền thông Môi trường; Ban Cộng đồng bền vững đều đảm bảo hoạt động.
Giai đoạn 2018-2023, toàn Hội đã thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch nhiệm kỳ VII (2018-2023), đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu của hội viên, cộng đồng và cơ quan nhà nước. Tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, phát triển, các thế mạnh của Hội về tư vấn, phản biện xã hội, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả. Công tác NCKH, đối ngoại nhân dân về môi trường được quan tâm và đạt được nhiều kết quả; Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam - hoạt động đặc thù của Hội nhiệm kỳ qua vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục phát triển.
Tiến tới đại hội lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 2023-2028)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tại Hà Nội. Theo đó, Đại hội sẽ nghe Báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ (2018-2023); Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2023-2028); Xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt về nhân sự và Điều lệ hoạt động. Đại hội dự kiến có khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc, hội thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học...sẽ tham dự. Cũng trong dịp này, Hội sẽ tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (26/11/1988- 26/11/2023).
Đại hội lần thứ I năm 1988. Ảnh tư liệu.
Có thể khẳng định, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn (cả chủ quan và khách quan) nhưng với tinh thần, trách nhiệm xã hội cao, tập thể Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch, Ban Thường vụ đã kế thừa, phát huy thành tích đã đạt được, không ngừng nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến, hoàn thành xuất sắc mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trở thành một tổ chức hội tiên phong trong hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu góp phần phát triển bền vững.
NGỌC LINH
Bình luận