Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 10/05/2025 23:05
Thứ bảy, 10/05/2025 19:05
TMO – Nhờ chính sách đột phá, nông nghiệp Việt Nam với xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lạc hậu, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, thể hiện vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Từ một quốc gia sản xuất nông nghiệp không đủ nhu cầu nội địa, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển đột phá. Đơn cử năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt gần 4%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Cụ thể, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài cây cà phê, bơ cũng là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên mang lại giá trị kinh tế cao.
Năm 2024, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt trên 3,3%, trong đó: trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5%; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm 2023.
Đánh giá kết quả của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực. Những thành quả có được nhờ các yếu tố sau: (1) Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. (2) Công nghiệp chế biến và cơ giới hóa được tăng cường theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
(3) Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức kỷ lục trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. (4) Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh. Đổi mới mạnh mẽ công tác khuyến nông, phát triển mạnh khuyến nông cộng đồng, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng, đặc biệt có hiệu quả trong khắc phục cơn bão số 3 (Yagi).
(5) Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng. Theo đó, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (đến nay, có 2.500 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì; 322.497 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 10.081 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 105.400 ha và giảm 3.967 cơ sở so với năm 2023); diện tích nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận VietGAP là 11.054 ha với 773 cơ sở được chứng nhận (tăng 1.686,8 ha và giảm 181 cơ sở); 4.170 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (giảm 712 trang trại và hộ chăn nuôi). Qua đó đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
(6) Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến, mặc dù số lượng hợp tác xã tăng chậm, nhưng các địa phương đã quan tâm hỗ trợ hợp tác xã phát triển thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, liên kết tiêu thụ; tham gia có kết quả, hiệu quả tốt trong các chương trình, đề án trọng điểm, trong đó, điểm nhấn là Đề án một triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2022-2025.
(7) Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, số công trình lớn được hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu lực, hiệu quả đầu tư. Théo đó, hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, ngăn mặn, chống sạt lở, sụt lún, ứng phó biến đổi khí hậu, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng phục vụ sản xuất giống, cơ sở nghiên cứu, đào tạo... được đầu tư, đưa vào sử dụng đã giúp tăng mức đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động do hạn hán, biến đổi khí hậu gây ra.
(8) Phát triển nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; số sản phẩm OCOP vượt xa mục tiêu đề ra; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo đó, đến cuối năm 2024 cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 602 xã) và 532 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 274 xã), bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí). Có 302 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 32 đơn vị, chiếm 47%); trong đó, 15 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023) trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 8.086 chủ thể OCOP, trong đó có 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tổn và phát triển làng nghề được duy trì, quan tâm chỉ đạo đi vào thực chất, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, bảo tồn văn hóa dân tộc. Đến nay, cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề, làng truyền thống được công nhận (tăng 08 làng nghề so với năm 2023); các làng nghề cung cấp việc làm cho hơn 11 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.
LÝ LAN
Bình luận