Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ sáu, 01/11/2024 21:11
TMO – Trong 10 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch cao nhất là nhóm rau quả. Trong 10 tháng, nhóm này đạt kim ngạch 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, đóng góp hơn 3 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7%; thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12%; lâm sản đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; muối đạt 4,6 triệu USD, giảm 0,2%.
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Thị phần của hai khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%. So với cùng kỳ năm 2023, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 10 tháng năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2% và châu Đại Dương tăng 14,5%.
Sầu riêng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa.
Về thị trường, Hoa Kỳ đứng đầu với thị phần 21,6%, tiếp theo là Trung Quốc 21,5% và Nhật Bản 6,5%. Đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,9%, Trung Quốc tăng 11,4%, và Nhật Bản tăng 5,9%.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam 10 tháng ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng 17,2% và nhóm nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần.
Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD, tăng 7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, tăng 7,2% và muối thâm hụt 24,6 triệu USD, giảm 24,1%. Đến nay, ngành nông nghiệp đang có 6 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD, tăng 39,6%; cà phê thặng dư 4,33 tỷ USD, tăng 38,5%; gạo thặng dư 3,68 tỷ USD, tăng 13,1%; tôm thặng dư 2,92 tỷ USD, tăng 21,7% và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, tại cuộc họp báo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD, năm 2024 ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu thu về 54 - 55 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiểu nước nặng nề do tác động của El Nino...; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu phát triển. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; thủy sản là 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của lâm nghiệp là 5,0 - 5,5%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
THIÊN LÝ
Bình luận