Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 19/01/2025 21:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Chủ nhật, 19/01/2025

Xử lý nước sinh hoạt bằng biện pháp đơn giản

Thứ hai, 22/05/2023 05:05

TMO - Trước nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện nay, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, có hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu mét khối. 

Năm 2023 được dự báo là một trong những năm nóng kỷ lục. Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023 sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Để đảm bảo có đủ nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các hộ gia đình chưa được cấp nước sạch từ các cơ sở cung cấp nước tập trung hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý chất lượng nước. Trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý. Nước cần được xử lý qua hai bước: Làm trong và khử trùng. Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, để làm trong nước bằng phèn chua, dùng với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều). Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước. Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Ảnh minh họa. 

Đối với hộ gia đình, có thể dùng viên Cloramin B 0,25g cho vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, hoặc cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút, sau đó có thể sử dụng làm nước sinh hoạt.

Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng có thể khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi). Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramin hoạt tính trong l lít nước. Để khử trùng khoảng 300 lít nước bằng bột Cloramin B 27%, cần hòa tan 3g bột (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được. Việc khử trùng nước bằng hóa chất bột cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn.

Các chuyên gia y tế lưu ý, nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tuy nhiên vẫn cần phải đun sôi nước rồi mới uống trực tiếp. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng. Trước khi tiến hành khử trùng cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất, nên sử dụng hóa chất còn hạn sử dụng để đảm bảo liều lượng và hiệu quả khử trùng. Trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn, uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng; đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước. Lưu ý, nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các tài liệu hướng dẫn cho các cán bộ y tế cơ sở, người dân và người lao động trên địa bàn nhằm thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Để truyền thông có hiệu quả, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng các tài liệu: Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động”; Hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản. Các tài liệu này nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp xử trí, phòng chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng, cũng như biết cách áp dụng các biện pháp xử lý nước đơn giản đảm bảo chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa khô hạn thiếu nước.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.... 

 

 

Thu Hương

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline