Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ sáu, 30/09/2022 00:09
TMO - Ngành công nghiệp xi măng tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng. Vì vậy, việc thay thế dần nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô, đưa chất thải thành nguồn năng lượng phục vụ sản xuất đang được đẩy mạnh triển khai.
Sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được xem là giải pháp mũi nhọn, bền vững. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều ưu thế do tận dụng được các lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, cho phép đốt được hầu hết các loại chất thải khác nhau, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao và không đòi hỏi cao về việc phân loại thành phần rác, không để lại tro xỉ, an toàn với môi trường…
Thông tin tại hội thảo “Đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành Xi măng tại Việt Nam”, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay, nước ta có 86 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế 106,34 triệu tấn/năm. Sản xuất xi măng tiêu tốn nhiều nhiên liệu, trung bình 110 -150kg than/1 tấn clinker, tuỳ loại than, quy mô và dây chuyền công nghệ. Tính trong phạm vi toàn ngành, lượng sử dụng nhiên liệu thay thế còn thấp, chủng loại chất thải được sử dụng làm nhiên liệu thay thế còn ít.
Rác thải công nghiệp thông thường được đưa vào dây chuyển làm nhiên liệu cho sản xuất xi măng. Ảnh: Lê Quân
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) cho biết, ngành công nghiệp xi măng hiện đang sử dụng khối lượng lớn than và các nguyên liệu thô khác. Tuy nhiên, có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng nhiên liệu này này bằng chất thải nhựa không thể tái chế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc đồng xử lý chất thải nhựa không thể tái chế làm chất thay thế nhiên liệu trong các lò nung xi măng không làm tăng phát thải dioxin trong khi vẫn tuân thủ các giá trị giới hạn quốc tế nghiêm ngặt nhất.
Bên cạnh đó, việc đồng xử lý trong lò nung xi măng có thể cải thiện việc quản lý chất thải nhựa không thể tái chế ở Việt Nam. Giải pháp này làm giảm tiêu thụ than trong ngành công nghiệp xi măng đồng thời giảm nhu cầu xây dựng các lò đốt phát điện đắt tiền (biến chất thải thành năng lượng). Hơn nữa, ngành công nghiệp xi măng nói chung có thể đóng một vai trò quan trọng trong giảm lượng phát thải nhà kính và ngăn chặn chất thải nhựa đổ vào đại dương.
Mặc dù đồng xử lý rác thải đang được áp dụng rất phổ biến ở châu Âu và Na Uy, nhưng giải pháp này còn chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, chỉ có một số ít các nhà máy xi măng hiện đang thực hiện đồng xử lý chất thải. Thời gian qua, Việt Nam đang tiếp tục việc triển khai Dự án biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn” (OPTOCE) do Chính phủ Na Uy tài trợ và đang được thực hiện tại 5 quốc gia châu Á.
Là xu thế chung, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường nhưng việc đồng xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế trong xi măng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả về công nghệ, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Hiện doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn đầu tư cho đồng xử lý. Theo đó, tại Việt Nam chưa có đơn vị chuyên thu gom, xử lý sơ bộ chất thải và cung cấp đến nhà máy xi măng; Một số bất cập về thủ tục pháp lý việc xác nhận các nhà máy xi măng áp dụng đồng xử lý là cơ sở xử lý chất thải; Thiếu chính sách khuyến khích, ưu đãi với các doanh nghiệp xi măng áp dụng phương pháp này, cũng như doanh nghiệp thu gom, sơ chế chất thải trong chuỗi cung ứng liên quan.
Hiện nay, một số đơn vị sản xuất xi măng đang đẩy mạnh xử lý đưa chất thải thành nguồn năng lượng phục vụ sản xuất công nghiệp
Trước những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đối với việc đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng như: Tại khoản 15, điều 3 của Nghị định 40/2019-NĐ-CP quy định: Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh
Đồng thời, sửa đổi quy chuẩn QCVN 41;2011/BTNMT cho phép các đơn vị sản xuất xi măng được xử lý chất thải công nghiệp thông thường và đồng xử lý chất thải nguy hại. Nhà nước sẽ kiểm soát mức độ phát thải của nhà máy theo quy định.
Tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Chỉ thị số 98/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng không có quy định hỗ trợ chi phí xử lý chất thải trong sản xuất xi măng cần bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể cho chi phí xử lý từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiêpk tiếp cận nguồn phát thải. Từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải, dán nhãn nhận diện xi măng xanh.
Việt Nam cũng như các thành viên tham gia Thỏa thuận Paris, đều cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu và thực hiện các đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt mục tiêu này cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực, trong đó đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng đang cho thấy những hiệu quả nổi trội khi góp phần cải thiện việc quản lý chất thải nhựa không thể tái chế ở Việt Nam.
Thanh Tùng
Bình luận