Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Chủ nhật, 22/01/2023 10:01
TMO – Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới mọi người lại rủ nhau đi xin chữ đầu Xuân về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Từng nét chữ hiện ra, may mắn càng đong đầy hơn, cả người cho chữ và người xin chữ đều nhận được lộc đầu năm, mỗi người xin một chữ khác nhau với những mong muốn khác nhau nhưng tất cả đều mong một năm mới vạn điều mới, mọi sự tốt lành, gia đình con cái hòa thuận, êm ấm, đạt được những thành công trong cuộc sống.
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, trên khắp phố phường, nhiều ông đồ lại bày nghiên bút, giấy bản, niềm nở đón người đi xin chữ. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân.
Cùng với tục khai bút đầu năm, xin chữ vào ngày Tết thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người xưa, cũng là ước vọng mong cả năm may mắn, tốt lành. Không rõ tục xin chữ bắt nguồn từ khi nào, nhưng khi việc học được nhiều người quan tâm, mong muốn con cái có thêm cái chữ để mở mày mở mặt, từ đó tục xin chữ lại càng được chú trọng. Chỉ khi coi trọng đạo học, coi trọng người thầy, mới có được những bước tiến lớn hơn trên con đường học hành như ông cha ta đã kết tinh trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Con chữ, đặc biệt là chữ Nho rất được trọng vọng trong thời đại trước. Con chữ không chỉ là phương tiện thể hiện thông tin, nó còn thể hiện được cốt cách, phẩm giá của một con người.
(Ảnh minh hoạ)
Ngày xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người xin chữ thường chọn ngày, chọn hướng, tìm đến ông đồ tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng để noi theo học tập. Ông đồ cho chữ phải là những nho sĩ, thầy giáo có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp hay là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt.
Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ. Từ nhiều năm nay, người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài” mong cho cộng việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Các bạn trẻ thường xin chữ “Trí tuệ”, “Minh”, “Thành”, “Đạt”, “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới. Chữ xin thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất, là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ như: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi…
Thời xưa, do quan niệm xin chữ đầu Xuân và viết chữ Nho bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên người biết chữ Nho không ai dám viết và người dân cũng không dám xin chữ. Một tục văn hóa đẹp gần như bị lãng quên. Nhưng rất may nó đã được hồi sinh nhờ các ông đồ già. Vào đầu thế kỷ XXI, một vài người tự phát ngồi viết chữ và bán câu đối ở dốc phố Bà Triệu, Hà Nội. Sau đó, đoạn phố này đông dần và chuyển hẳn về Hồ Văn trước cửa Văn Miếu tạo thành “Phố ông Đồ”.
Ngày nay, việc xin chữ ngày càng phổ biến, nó đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt cứ mỗi độ Tết đến xuân về. Chữ nghĩa thường mang giá trị ý nghĩa hơn những lời nói sáo rỗng, để lại bài học giáo dục sâu sắc hơn. Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.
Bùi Khánh An
Bình luận