Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ năm, 07/11/2024 08:11
TMO - Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại rất to lớn cả về người và của cho đất nước. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách được xem là giải pháp quan trọng để ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, thiên tai làm 525 người chết và mất tích, 2.136 người bị thương; 26,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 5,1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết; 90,3 nghìn ha hoa màu và 334,2 nghìn ha lúa bị ngập, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 78.082,4 tỷ đồng, gấp hơn 21,2 lần cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội, chuyên gia đề xuất sớm ban hành một nghị định về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này.
Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cần nâng cao năng lực ứng phó. Ảnh minh họa.
Theo các đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại rất to lớn cả về người và của cho đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội, đã được thể hiện qua các Nghị quyết 76 của Chính phủ, Chỉ thị 42 của Trung ương về phòng, chống thiên tai và Quyết định 379 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Lấy dẫn chứng, các nước Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến công tác phòng ngừa thiên tai. Điển hình như tại Nhật Bản có nhiều chương trình giáo dục về phòng chống thiên tai, coi giáo dục về thiên tai là một phần của chương trình giảng dạy quốc gia, được giảng dạy tại các trường từ nhà trẻ đến trường trung học; chương trình giáo dục cộng đồng... Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều quốc gia có chương trình đào tạo đại học, sau đại học về quản lý khẩn cấp, quản lý thảm họa, quản lý thảm họa và rủi ro liên quan đến phòng, chống thiên tai.
Riêng đối với Việt Nam đã rất nỗ lực cố gắng, có nhiều giải pháp ứng phó và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực thực hiện phòng, chống thiên tai hiện còn rất thiếu, hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy, chủ yếu kiến thức được đúc kết từ kinh nghiệm bản thân qua thực tiễn. Đặc biệt, có nhiều cán bộ từ cấp thôn bản đến các cấp cao hơn có lúc còn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.
Về giải pháp, theo các chuyên gia, cần tăng cường và thường xuyên đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về phòng, chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân. Đồng thời, cần rà soát, cải tiến và xây dựng mới các chương trình đào tạo bài bản, phù hợp về phòng chống thiên tai ở các cấp học, bậc học đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học và bậc học, giữa trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần tổ chức các loại hình đào tạo từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn, cần có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học.
Bên cạnh đó, cần rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo/trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này cho đất nước.
Mặt khác, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo, nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt, tham mưu và triển khai các chủ trương về phòng, chống thiên tai của đất nước.
LÝ LAN
Bình luận