Hotline: 0941068156
Thứ năm, 31/10/2024 16:10
Thứ tư, 30/10/2024 19:10
TMO - Lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên làm việc 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động... Do đó, cần xem xét điều chỉnh chế độ chính sách phù hợp để công tác quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn.
Điều 14 Nghị định 01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý, bảo vệ rừng thuộc phạm vi diện tích được giao.
Tổ chức thực hiện phương án, biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan Kiểm lâm về tình hình bảo vệ rừng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong khi làm nhiệm vụ.
(Ảnh minh họa. Nguồn: A.G)
Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản; lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Được sử dụng công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ rừng giao.
Theo quy định, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng, bảo hộ lao động và các loại thiết bị nghiệp vụ cần thiết khác để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; được trang bị đồng phục theo quy định. Đồng thời, được hưởng chế độ, chính sách. Cụ thể, viên chức thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng được hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật; Người lao động hợp đồng được chủ rừng bảo đảm chế độ lương và các chế độ khác theo hợp đồng lao động và theo quy định của pháp luật. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng; ưu tiên về nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15, cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá nghề, công việc "quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" theo quy định; bổ sung nghề quản lý bảo vệ và phát triển rừng vào danh mục nghề nặng nhọc và nguy hiểm để có cơ sở đề nghị chính sách đãi ngộ đối với viên chức, lao động làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 01/2019 cần bổ sung thêm nội dung quy định chế độ, chính sách được công nhận liệt sĩ, thương binh và các chế độ khác cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khi hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ như Kiểm lâm để thuận lợi trong quá trình triển khai đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh. Vì lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự như lực lượng Kiểm lâm, cùng hoàn cảnh, điều kiện khó khăn tương tự như nhau, khi thực hiện nhiệm vụ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Trên thực tế, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên làm việc 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động... Vào mùa cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng phải trực đủ 100% quân số... nhưng chế độ đãi ngộ chưa được bảo đảm đúng mức. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá nghề, công việc "quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" theo quy định tại Thông tư 29/2021 ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, bổ sung nghề quản lý bảo vệ và phát triển rừng vào danh mục nghề nặng nhọc và nguy hiểm để có cơ sở đề nghị chính sách đãi ngộ đối với viên chức, lao động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng…/.
BÙI HOÀNG
Bình luận