Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 17:01
Chủ nhật, 21/07/2024 06:07
TMO - Một trong ba kịch bản tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 của tỉnh Nghệ An thì phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ trọng tâm hướng đến chiến lược quan trọng để phát triển dịch vụ chủ lực của toàn vùng...
Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước 16.490km2, xếp thứ 4 về quy mô dân số với hơn 3.3 triệu người (độ tuổi lao động chiếm hơn 2 triệu người, khoảng 60%); đây cũng là nơi có vị trí địa lý hết sức thuận lợi khi nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, là một trong những đầu mối giao thương đặc biệt quan trọng nối 2 miền Nam – Bắc.
Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bao gồm: Sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ các hoạt động kinh tế, đầu tư ở quy mô quốc gia và khu vực. Do vậy, Nghệ An đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư chiến lược và được đánh giá là địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.
Nghệ An cơ bản có một hệ thống giao thông tương đối phát triển, với 16 tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn, có tổng chiều dài 1.768 km và 32 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài quản lý là 662,1km; Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 128 km, 01 nhà ga hành khách hạng trung. Hệ thống cảng biển gồm: Cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò; Cảng biển chuyên dùng The Vissai; Cảng xăng dầu DKC; Cảng Đông Hồi đã được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch.
Hệ thống đường thủy nội địa có tổng chiều dài 907,6 km, trong đó đường sông do trung ương quản lý dài 217,1 km và 45,1 km đường sông địa phương do Sở GTVT được ủy thác quản lý, 647,5 km đường sông còn lại do các UBND huyện, thành phố, thị xã trực tiếp quản lý. Nhờ những tiềm năng, lợi thế nổi bật về vị trí địa lý cùng quan điểm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Nghệ An đã và đang đổi thay từng ngày khi hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại. Đây là những điều kiện để địa phương này thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.
Nghệ An cần phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.
UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định số 1769/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án "Phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045". Mục tiêu của nhiệm vụ, đề án phân tích, đánh giá khách quan trung thực về hiện trạng phát triển dịch vụ logistics của tỉnh thời gian qua và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực thực hiện, giải pháp và cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo sự liên kết vùng, liên kết quốc tế mạnh mẽ, góp phần phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Nghệ An. Trong quá trình thực hiện quy hoạch vẫn còn những vướng mắc, nhất là sự chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch. Hoạt động cảng biển và dịch vụ logistics của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế...;
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động, các dịch vụ liên quan đến logistics được cung cấp hầu như còn nhỏ lẻ, manh mún... chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Nghệ An. UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức xây dựng đề án. Thời gian triển khai xây dựng đề án trong vòng 6 tháng, kể từ ngày phê duyệt đề cương, nhiệm vụ đề án và hợp đồng các bên có hiệu lực.
Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030: Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics đa dạng, hiện đại, trở thành ngành dịch vụ chủ lực.../.
Thu Trang
Bình luận