Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ năm, 11/08/2022 21:08
TMO - Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung xây dựng, phát triển mô hình đô thị thông minh gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trên nền tảng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác.
Mô hình phát triển đô thị thông minh Vĩnh Phúc gồm 5 lớp sẽ được triển khai đồng thời như hê sinh thái tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian đô thị, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ. Trong đó, có hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm quy hoạch, xây dựng và phát triển hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, tối ưu hóa hệ thống điều hòa tự nhiên.
Quy hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, đa phương thức kết hợp với thu thập, phân tích số liệu, vận hành tự động trên nền tảng số. Đối với không gian đô thị sẽ phát triển đa chức năng, hỗn hợp, xanh, sinh thái. Đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT.
Cùng với đó phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề như quản lý giao thông, an ninh trật tự, cấp điện nước..., mà cần được hiểu ở tầm cao hơn.
Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các đề án nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển bền vững
Mô hình đô thị thông minh tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong việc giải quyết các vụ việc của các cấp chính quyền. Phạm vi triển khai Đề án Xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc ở toàn tỉnh, trong đó mỗi khu vực đều có giải pháp đặc thù phát triển riêng biệt.
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo Tư vấn phản biện dự thảo Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được đánh giá sẽ tạo tiền đề cho sự đổi mới về quan điểm phát triển đô thị, từ đó huy động các nguồn lực xã hội cùng các thành tựu về công nghệ để giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn, tiến tới phát triển xanh, bền vững.
Trong đó, hội đồng tư vấn phản biện đề nghị đơn vị xây dựng Đề án cần tập trung làm rõ hơn về khái niệm đô thị thông minh; tích hợp nhiều hợp phần để tránh phải đầu tư dàn trải, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội; tránh trùng lặp đề án, trong khi Vĩnh Phúc đã có Đề án Chuyển đổi số; đầu tư kỹ càng hạ tầng thông tin; quy hoạch thông minh ngay từ đầu phù hợp với quy chuẩn theo định hướng chung. Xây dựng thêm đề án phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong đô thị thông minh.
Hoàn thiện các thành phần trong kiến trúc ICT về phát triển đô thị thông minh. Xác định rõ nội dung, hạng mục đầu tư; bố trí và thu hút nguồn lực, thực hiện các lộ trình để xây dựng thành công chính quyền điện tử, đổi mới tư duy và phương thức phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Xây dựng lộ trình triển khai thích hợp trong từng giai đoạn; ưu tiên triển khai dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực trọng điểm của địa phương; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh mạng để triển khai đô thị thông minh thành công và bền vững…
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh, thời gian qua địa phương này đã đẩy mạnh công tác quy hoạch. Trong đó, tập trung nâng cấp hạ tầng đô thị, đến nay, tỉnh đã thực hiện đầu tư 3 tuyến đường vành đai, 10 tuyến đường hướng tâm, trục xuyên tâm; 4 đường nội thị chính.
Hạ tầng cấp nước khu vực đô thị được được quan tâm đầu tư, trên địa bàn hiện có 13 nhà máy cấp nước với tổng công suất cấp nước cho các đô thị là 115.000 m3/ngày đêm, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đô thị cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 90%. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đang từng bước được đầu tư xây dựng. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định. Dự án Thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Vĩnh Yên với công suất 5.000m3/ngày đêm góp phần xử lý một phần lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố...
Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, cùng với đó là đẩy mạnh chỉnh trang đô thị. Huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Lê Hồng
Bình luận