Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ tư, 19/04/2023 07:04
TMO - Với diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc huy động các nguồn tài chính thông qua mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 632.000 ha, trở thành địa phương có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước Trữ lượng carbon rừng của Gia Lai rất cao, đạt trên 150 tấn/ha, tổng cộng ước đạt đến khoảng 50 triệu tấn. Đây được đánh giá là tiềm năng lớn để huy động các nguồn tài chính qua mua bán, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài tín chỉ carbon rừng thông qua các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện mục tiêu bán tín chỉ các bon từ rừng, tỉnh Gia Lai đặt ưu tiên cho vấn đề bảo tồn, phục hồi những diện tích rừng đã mất nhằm tăng trữ lượng carbon rừng. đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Theo các chuyên gia, nếu thỏa thuận tốt với giá tương đương khoảng 5-10 USD/tấn thì Gia Lai sẽ mang về nguồn thu 25-50 triệu USD hoặc cao hơn.
Với diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước, tỉnh Gia Lai được đánh giá là có nhiều tiềm năng kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Nhận thấy tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên rừng có thể đáp ứng cho thị trường carbon trong tương lai, tỉnh Gia Lai mong muốn thiết lập Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng để qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống, sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng và giữ rừng ngày một tốt hơn.
Về giải pháp tăng trữ lượng các bon rừng, tỉnh đang ưu tiên cho việc bảo tồn và phục hồi những diện tích rừng đã mất, đồng thời bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là những diện tích rừng nhiều tài nguyên. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới 40.000 ha rừng. Trong đó, năm 2023, trồng rừng 8.000 ha, chăm sóc hơn 26.290 ha rừng; khoán bảo vệ 145.000 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hơn 510 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,33%.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên", kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; 100% chủ rừng là tổ chức xây dựng và được phê duyệt phương án Quản lý rừng bền vững…
Công tác trồng và bảo vệ rừng để tăng trữ lượng carbon rừng. Ảnh: QM.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Gia Lai có tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon từ rừng, tuy nhiên vấn đề quan trọng hiện nay là cơ chế khung pháp lý. Do đó, tỉnh cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó, giao Sở NN&PTNT làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác xây dựng báo cáo tín chỉ carbon. Cần đưa tín chỉ carbon trở thành hàng hóa thật sự được công nhận về mặt tiêu chuẩn quốc tế thì mới tiến hành xúc tiến giao dịch, khi đó sẽ mang lại nguồn thu lớn. Nguồn vốn xây dựng báo cáo đánh giá tiềm năng, trữ lượng tín chỉ carbon làm cơ sở ban đầu đưa ra thị trường. Nhiều ý kiến kiến nghị tỉnh có chủ trương xã hội hóa việc thực hiện báo cáo này, cơ chế phân bổ lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia
Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu, Việt Nam là một trong số những quốc gia bị tác động tiêu cực. Năm 2015, tại Hội nghị COP21 về Biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức tai Nam Phi, để giảm phát thải các khí nhà kính, sáng kiến về thiết lập thị trường trao đổi carbon giữa các bên phát thải ra môi trường và bên có rừng đã được đưa ra. Đến nay, đã có 252 dự án tín chỉ carbon cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được đăng ký thành công trên toàn thế giới.
Việt Nam xác định thị trường carbon là một trong những công cụ định giá carbon hữu hiệu trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đặc biệt là góp phần đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2021.
Nghị định 06/2022-NĐ/CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone được Chính phủ phê duyệt cũng xây dựng lộ trình về mua bán, chuyển nhượng về giảm phát thải, tín chỉ carbon. Theo đó, đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ quy định các kỳ hạn ngạch đối với các cơ sở giảm phát thải và mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon… Từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
Với tổng diện tích rừng năm 2022 là khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng của Việt Nam hấp thụ trung bình khoảng 19 triệu tấn carbon, tương đương với hấp thụ 69,8 triệu tấn CO2 từ khí quyển. Đây là tiềm năng rất lớn để thực hiện các hoạt động tăng cường trữ lượng carbon rừng và tạo ra các tín chỉ carbon rừng. Với lượng hấp thụ carbon lớn như vậy, theo cam kết của các quốc gia tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 năm 2015, các quốc gia có rừng như nước ta sẽ bán các tín chỉ này cho các quốc gia phát thải khí CO2 để thu tiền. Đây được xem là thị trường tiềm năng mang lại nguồn thu nhập lớn.
Tín chỉ carbon là giấy phép để các cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Tín chỉ carbon hiện được xem là mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính.
Thu Huyền
Bình luận