Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ ba, 30/01/2024 13:01
TMO - Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung đa dạng hóa khách hàng, thị trường, mặt hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số và “xanh hóa” sản xuất.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39,5 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, năm 2023 là năm doanh nghiệp gỡ khó khăn bằng cách đa dạng hóa thị trường cũng như mặt hàng. Sản phẩm dệt may xuất khẩu tới 104 thị trường như năm 2023. Sản phẩm xuất khẩu cũng đa dạng hơn với 36 mặt hang. Thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á...bên cạnh những thị trường mới như châu Phi, Nga, thị trường đạo Hồi...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch giảm gần 10% so với năm 2022. Nguyên nhân là do bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng khiến tổng cầu thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, giá đặt hàng dệt may bình quân giảm trên 30%, cá biệt có mặt hàng giảm tới 50%. Trong khi đó, chi phí nhân công dệt may Việt Nam khá cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng); cao hơn gấp 3 lần, 2 lần và 1,8 lần so với Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia. Cùng với đó là vấn đề tỷ giá gây ra những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt có thể cao hơn 10-15%.
Ngành dệt may hướng đến mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2024.
Dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới sẽ có sự cải thiện, tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam là một điểm đến an toàn, tạo thuận lợi cho các đơn hàng dệt may có khả năng quay lại. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm sâu, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ được kéo dài trong năm 2024...
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2024 ngành hàng đối diện với nhiều thách thức, trong đó những vấn đề lớn là cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”... sẽ được áp dụng, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.
Để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng dựa trên kinh nghiệm có được từ năm 2023; đẩy mạnh phát triển bền vững, đáp ứng đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hóa, giảm phát thải nhà kính. Ngành cũng đầu tư công nghệ, tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng được, nhằm thực hiện giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao. tập trung quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút đầu tư vào ngành vải, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu. Đồng thời, lấy TP.HCM và Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang, ngành sẽ xây dựng giải pháp, chiến lược định hình một số thương hiệu lớn của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030 ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Giải pháp chính của ngành dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may... Ngoài ra, hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngành dệt may tập trung đa dạng hóa khách hàng, thị trường,“xanh hóa” sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, ngành dệt may cần hướng tới là việc lấy lại và khẳng định vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Để làm được điều này, việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình xanh hóa được coi là tất yếu. Yêu cầu sản phẩm thân thiện với môi trường và chiến lược “thời trang bền vững” từ Châu Âu cũng như các thị trường nhập khẩu dệt may lớn, đặt dệt may Việt Nam vào thế phải thay đổi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mỗi năm, ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD cho tiêu thụ năng lượng. Ngành này hiện chiếm khoảng 8-10% nhu cầu năng lượng toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Hơn thế, xu hướng “thời trang nhanh” vẫn đang khá thịnh hành trên thị trường, dự kiến ngành thời trang sẽ chiếm khoảng 25% tổng phát thải các-bon của thế giới vào năm 2050.
Do đó, với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng. Để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may đang nỗ lực giảm phát thải ra môi trường. Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu 44 tỷ USD, năm 2024, ngành dệt may còn tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về sản phẩm xanh.
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất: Để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỉ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cái tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Cùng đó đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…
Còn theo các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá; bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỉ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...).
Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Thu Hương
Bình luận