Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ hai, 07/03/2022 10:03
TMO - Thay vì tổ chức ra khơi đánh bắt như thường lệ, hàng loạt tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung không thể ra khơi, phải nằm bờ vì giá xăng dầu liên tục tăng cao từ sau Tết Nguyên đán 2022.
Chỉ trong khoảng hơn một tháng, giá xăng dàu nhiều lần tăng liên tiếp, đón nhận những tin này nhiều chủ tàu cá đành hủy đưa tàu ra khơi, bởi chi phí sẽ đội lên cao, lợi nhuận thu về sau mỗi chuyến đánh bắt sẽ giảm mạnh, thậm chí phải bù lỗ.
Tại Bình Thuận, Bến sông Cà Ty (TP. Phan Thiết) những ngày này trầm lắng hơn mọi năm. Tàu thuyền nằm xếp lớp không động đậy, thi thoảng mới có tiếng máy nổ từ những tàu cập bến. Không chỉ dầu mà đồ đạc, thực phẩm cũng tăng giá nên tàu ra khơi khó kiếm lời. Một chủ tàu làm nghề giã cào, cho biết mỗi chuyến tàu bơm 5.000 lít dầu. Với mức giá xăng dầu như hiện nay anh phải tốn thêm 5 triệu đồng. Chi phí tăng cao, không chỉ chủ tàu gặp khó mà ngư dân đi bạn (làm thuê theo tàu) cũng bị giảm thu nhập.
Thuyền nằm bờ trên sông Cà Ty, TP Phan Thiết. Ảnh: VQ
Câu chuyện bù lỗ là tình cảnh chung của nhiều chủ tàu, thuyền đang hoạt động tại cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà) hiện nay. Ngoài các tàu, thuyền buộc phải ra khơi để giữ chân người lao động, hầu hết tàu, thuyền khác phải nằm bờ do hoạt động đánh bắt không mang lại hiệu quả. Khác với cảnh tấp nập thuyền ra vào cảng như trước đây, tại cảng cá Cửa Sót hiện bình quân mỗi ngày chưa đến 20 tàu, thuyền cập cảng.
Hà Tĩnh hiện có khoảng trên 3.500 thuyền đánh bắt hải sản ven bờ, nay chỉ có khoảng 500 thuyền đang hoạt động, số còn lại nằm bờ. Người dân vùng biển vốn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nay đời sống lại càng bấp bênh hơn.
Thực trạng thuyền nằm bờ lâu ngày không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện lượng tiêu thụ dầu ở năm đầu mối bán cho các tàu thuyền tại cảng cá Cửa Sót giảm từ 50-60% so với trước đây, và sản lượng thu mua của các cơ sở chế biến hải sản chỉ đáp ứng được hai phần ba so với nhu cầu.
Đại diện một cơ thu mua và chế biến hải sản Phú Khương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, mỗi năm cơ sở thu mua hơn 400 tấn cá để chế biến 300 nghìn lít nước mắm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, sản lượng thu mua giảm hơn 30%. Nếu Nhà nước, địa phương không có chính sách hỗ trợ, kích cầu để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển thì kế hoạch sản xuất của các cơ sở thu mua, chế biến hải sản cũng có nguy cơ phá sản.
Tại Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 tàu thuyền, trong đó khoảng 700 chiếc đánh bắt xa bờ, hằng năm, vào khoảng đầu tháng giêng nhiều địa phương trong huyện tổ chức lễ xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm. Nhưng năm nay do giá xăng, dầu tăng quá cao cho nên rất nhiều tàu cá ở các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Sơn Hải... không dám ra khơi do lo thu không đủ bù chi, nợ chồng nợ. Theo các chủ tàu cá, giá dầu tăng lên 20.000 đồng/lít thì tiền dầu đã đội thêm ít nhất 15-17 triệu đồng cho một chuyến biển, chưa kể đá lạnh để bảo quản thủy sản, lưới, dây... cũng tăng giá theo xăng, dầu. Chính vì thế, một số tàu sau Tết Nguyên đán dù hăng hái ra khơi, kết quả thu không đủ bù chi, đành phải về nằm bờ... chờ giá dầu giảm!
Với sự hỗ trợ của địa phương, nhiều hội nghề cá, chủ tàu ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt như thành lập các tổ hợp khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển và tính toán làm sao cho chuyến biển đạt hiệu quả.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trên biển, trong thời điểm giá xăng, dầu tăng cao, các tàu cá khi đánh bắt ở ngoài biển sẽ tùy theo điều kiện địa lý để vào cảng cá của các tỉnh gần đó bán hải sản, thay vì trở lại cảng cá địa phương nhằm rút ngắn quãng đường, tiết kiệm chi phí. Ðồng thời, ngư dân cũng có thể chọn giải pháp bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho tàu dịch vụ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Ðà Nẵng... để sau đó có thể đánh bắt tiếp thay vì trở về.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngoài hỗ trợ nhau trên biển, hiện nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Quỳnh Lưu đã đầu tư rất hiện đại về hầm bảo quản hải sản trên biển. Mỗi tàu bình quân có 7-9 hầm bảo quản với chi phí gần một tỷ đồng. Hầm được đóng theo phương pháp cách nhiệt dùng vật liệu xốp PU, nhờ đó cá được bảo quản tốt hơn so với cách truyền thống.
Nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện đăng ký khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ từ 75 đến 100 triệu đồng/chuyến đi biển, tùy vào công suất máy tàu.
Hiện Chi cục Thủy sản Nghệ An, Hà Tĩnh đang hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường thông báo tình hình thời tiết trên biển cho các tàu thuyền. Chi cục hỗ trợ máy thông tin tầm xa, tời thủy lực cho nghề lái chụp... giúp ngư dân tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi để đánh bắt.
Lê Hùng - Ninh Huệ
Bình luận