Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ sáu, 08/04/2022 15:04
TMO – Trong Quy hoạch không gian biển giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển.
Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2045 sẽ tiến tới quản lý biển theo Quy hoạch không gian biển quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại; sử dụng hiệu quả không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển; tham gia chủ động và có trách nhiệm các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong buổi làm việc với các đơn vị chuyên môn đã tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị công tác xây dựng Quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch) cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời của Việt Nam. Trong đó, phát triển các ngành, lĩnh vực biển phải bảo đảm sự hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau và cùng với các ngành, lĩnh vực trên đất liền, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có tính hệ thống, kết nối chặt chẽ, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế mạnh về biển.
Ông yêu cầu, cơ quan chuyên môn cần phải xây dựng quy hoạch với quan điểm, phương pháp luận một cách nhất quán. Xác định quy hoạch biển là nền tảng và sẽ là cơ sở quan trọng để có thể đưa các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhằm xây dựng và phát triển tài nguyên biển bền vững. Bên cạnh đó, cần cập nhật thêm các yêu cầu từ thực tiễn như những cam kết của Việt Nam tại COP26, các cam kết về vấn đề môi trường, các kịch bản về biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng…Do đó, quy hoạch không gian biển quốc gia giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, liên vùng, liên quốc gia, bảo đảm là cơ sở cho các quy hoạch cấp dưới triển khai đồng thời tránh trùng lặp về nội dung với các quy hoạch này.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đối với phạm vi nghiên cứu được mở rộng nhằm bảo đảm có sự phân tích, đánh giá, dự báo chính xác hơn và định hướng phù hợp hơn trong quy hoạch không gian biển.
Quy hoạch sẽ dựa trên quan điểm bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời của Việt Nam.
Bố trí sử dụng không gian biển cho phát triển các ngành, lĩnh vực biển phải dựa trên cách tiếp cận dài hạn, bền vững và đồng bộ, phù hợp với đặc điểm biển Việt Nam; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái, kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Coi môi trường, đa dạng sinh học là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế biển và các hoạt động liên quan.
Quốc Dũng
Bình luận