Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ bảy, 02/11/2024 04:11
TMO - Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sắp tới, các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp). Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.
Trước đó, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Để hoàn thiện được lộ trình trên, mới đây Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức triển khai “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam”. Thông qua quá trình đánh giá, liên danh tư vấn sẽ cung cấp các khuyến nghị về xác định các phương án quản lý tối ưu đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, hướng tới vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh minh hoạ).
Đặc biệt, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này và mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon. Bên cạnh đó, hiện đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon), giúp kiểm soát khoảng 11 tỷ tấn carbon, tương đương khoảng 20% phát thải toàn cầu. Đây là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho việc thiết lập thị trường carbon trong nước.
Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Trước mắt, tháng 6/2025 sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Trong thời gian tới, cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống ETS phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam. Nhiệm vụ đánh giá do UNOPS chủ trì thực hiện, kéo dài từ nay đến tháng 6/2025 nhằm phục vụ triển khai giai đoạn thí điểm.
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sắp tới, chỉ có các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp). Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.
Tuy nhiên, để đạt được các cam kết xanh và mục tiêu giảm phát thải trên, giới chuyên gia cho rằng một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon. Theo chia sẻ từ đại diện trường Đại học Cambridge, việc định giá carbon có khả năng giảm phát thải một cách nhanh chóng và hiệu quả về chi phí. Đơn cử tại Anh, việc áp dụng thuế carbon trong ngành điện đã giúp giảm 26% lượng CO₂ liên quan đến sản xuất điện chỉ trong vòng ba năm. Và từ ngày 1/10/2024, Anh đã dừng sản xuất điện từ than đá.
Việc quy định hạn ngạch phát thải chính là yếu tố thúc đẩy định giá carbon, tuy nhiên, nhà quản lý cần tính đến hỗ trợ chính sách nhằm hạn chế việc chuyển chi phí carbon, hay nói cách khác là tăng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng để bù đắp chi phí tăng thêm do giá carbon.
Mục tiêu của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường tự nhiên. (Ảnh minh hoạ).
Về tín chỉ carbon, Điều 6 Thỏa thuận Paris cung cấp một cơ chế để các quốc gia tự nguyện tham gia vào việc trao đổi tín chỉ carbon (ITMOs). Các công ty/chính phủ có thể đầu tư vào các dự án giảm nhẹ hoặc mua ITMOs từ các dự án giảm nhẹ, qua đó chuyển giao tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực cho các quốc gia nơi dự án được thực hiện. Tín chỉ carbon cũng sẽ được chuyển giao và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia/cơ chế quốc tế khác, nhưng đây cũng là nguồn thu giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong nỗ lực giảm phát thải của quốc gia.
Do đó, Chính phủ cần cân nhắc mức độ chắc chắn đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), mức độ thu hút đầu tư quốc tế và vai trò của các khoản thu theo Điều 6 cho việc giảm nhẹ trong nước. Cùng với minh bạch trong cơ chế quản lý, chính phủ cần đơn giản hóa các quy tắc và yêu cầu để thuận tiện cho công tác quản lý và giúp các bên tham gia thị trường dễ dàng thiết lập mô hình tài chính.
Còn theo Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm chuyên gia chính sách khí hậu, nhấn mạnh, để hướng tới vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam trong thời gian tới, việc đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon là rất quan trọng.
Do vậy, với vai trò là nhóm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, nhóm sẽ phân tích khung pháp lý của Việt Nam và xem xét kinh nghiệm quốc tế để xác định các phương án thiết kế; quản lý đối với việc xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch ETS, tập trung vào các phương án khả thi cho vận hành thí điểm thị trường carbon giai đoạn 2025-2027.
Trong xu thế toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung với các quốc gia trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc
“Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam” sẽ là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định chính sách, đưa ra thiết kế phù hợp với thị trường trong nước, hài hòa với các quy định pháp luật hiện hành và từ đó, góp phần đẩy mạnh nỗ lực giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Trung Kiên
Bình luận