Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 09/02/2022 15:02
TMO – Phục hồi tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để thực hiện điều này, đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng hệ thống pháp lý phù hợp làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả cao.
Việt Nam chuẩn bị những gì?
Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Rú Chá là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh nằm bên hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030…
Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Đó là những căn cứ quan trọng mang tính cơ bản để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo... đồng thời sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia; triển khai áp dụng các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon và phát triển thị trường carbon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường; xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030, kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.
Phạm Dung
Bình luận