Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ năm, 02/03/2023 09:03
TMO - Ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng đang có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô trở thành mối quan tâm đặc biệt khi Hà Nội có tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố/ thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Đây là vấn đề nan giải, là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được giải quyết, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, giảm ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề cấp thiết đòi hỏi thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định trước hết là hệ lụy của tốc độ tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong khi kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Theo đó, nhóm nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí do con người gây ra là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ hằng ngày.
Ngoài ra lượng ô tô, xe máy đổ về trung tâm thành phố Hà Nội hàng ngày rất đông; quá trình xây dựng hạ tầng; và thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ hè thu đều đóng góp một lượng bụi lớn và các chất gây ô nhiễm khác vào không khí. Đáng chú ý, trong phạm vi thành phố, vẫn có nhiều hộ gia đình sử dụng than củi, bếp than tổ ong để phục vụ việc nấu nướng bởi giá thành rẻ hơn so với bếp điện.
Lượng ô tô, xe máy đổ về trung tâm thành phố Hà Nội hàng ngày rất đông.
Mặt khác, ô nhiễm không khí có thể gia tăng bởi hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra vào mùa thu và vào mùa xuân. Hiện tượng này thường xảy ra khi bắt đầu có các đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, không khí lạnh chỉ là lớp mỏng nên chỉ làm lạnh nhiệt độ ở tầng thấp, do nhiệt độ tầng thấp lạnh đi nên sẽ mát hơn nhiệt độ trên cao. Nói cách khác, khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao, ngược với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp, bởi vậy sinh ra lớp nghịch nhiệt. Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, khiến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí dày đặc hơn.
Còn vào những ngày nóng ẩm, một hiện tượng thường thấy là sương mù được hình thành và bao phủ khắp thành phố. Bởi vậy, sự lưu thông của không khí bị hạn chế, ngăn cản sự khuếch tán của các chất ô nhiễm. Bởi các chất này không thể thoát ra ngoài và bị giữ lại ở mặt đất, khiến chất lượng không khí kém đi. Đáng nói, tất cả những yếu tố này kết hợp lại với nhau đã góp phần tạo nên thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô Hà Nội.
Thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), hoàn thành trong năm 2022. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ. Sở đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường...
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.
Thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giám sát. Mặt khác, cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.
Việc từng bước cải thiện chất lượng môi trường, đất, nước, không khí, và giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, việc giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn là một vấn đề nan giải. Vì môi trường không khí là một lĩnh vực tương đối nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên liên quan - từ công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp đến hộ gia đình. Do vậy, nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô sẽ cần những quy định từ cấp Trung ương. Kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới cũng cho thấy, kiểm soát chất lượng không khí đòi hỏi một chiến lược tổng thể, thực hiện trong nhiều năm với những nhóm giải pháp khác nhau.
Nguyễn Long
Bình luận