Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Chủ nhật, 10/07/2022 17:07
TMO - Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều biện pháp đấu tranh mạnh mẽ với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành, các cấp...
Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, kinh doanh mua, bán động vật hoang dã và các sản phẩm của động vật hoang dã trên môi trường mạng thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý vi phạm như sau:
Hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi trên.
Ảnh minh họa
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng lên đến 400.000.000 đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
Trường hợp vi phạm vượt mức xử lý hành chính nêu trên sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung 2017 (Số: 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017) với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp; quý, hiếm. Tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm, người bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, mức phạt tù cao nhất từ 10 năm đến 15 năm.
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hỗ trợ công tác phát hiện, xử lý và điều tra các hành vi qua mạng, đặc biệt là hoạt động quảng cáo, kinh doanh mua, bán ĐVHD trái phép như Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là Bộ Luật hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến quảng cáo, kinh doanh mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD.
Hà Thu
Bình luận