Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ sáu, 07/07/2023 15:07
TMO - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là một điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, EPR sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, tiến đến kinh tế tuần hoàn.
Thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (có bao bì), pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, điện tử, phương tiện giao thông và các sản phẩm có bao bì sẽ có lộ trình thực hiện từ đầu năm 2024, 2025, 2027. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện tái chế thì phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
(Ảnh minh họa)
Khi so sánh với các nước trên thế giới, quy định EPR ở Việt Nam có tính đa dạng trong hình thức thực hiện, nhất là ở trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Để phù hợp với nền kinh tế hiện tại, Nghị định số 08/2022/NĐ-TTg đưa ra nhiều hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế cho doanh nghiệp lựa chọn. Theo đó, doanh nghiệp có thể tự mình tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Đứng trước lo ngại, tại thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức đóng tiền, ảnh hưởng đến mục tiêu tái chế sản phẩm, bao bì, giảm rác thải nhựa, nhiều chuyên gia cho rằng, thông thường, các doanh nghiệp chỉ lựa chọn đóng tiền đối với nhóm sản phẩm bao bì mà ít được thu gom, tái chế chính thức tại Việt Nam. Đối với các sản phẩm, bao bì đang được tái chế một cách có hiệu quả tại Việt Nam thì nhà sản xuất sẽ lựa chọn tự mình tái tổ chức tái chế bởi phương án này có lợi hơn về mặt kinh tế. Đơn cử như hiện nay, các nhà sản xuất trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) đang tự thuê các đơn vị tái chế với chi phí thấp hơn rất nhiều khi đóng tiền. Và xu hướng này sẽ ngày càng tăng khi ngành tái chế của chúng ta phát triển. Hơn nưa, EPR không chỉ có mục tiêu là hình thành nguồn lực để làm sạch môi trường thông qua việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ mà EPR còn có mục tiêu cao hơn đó là tác động đến thói quen sản xuất, tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm để sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, dễ thu gom, dễ tái sử dụng, dễ tái chế…
Các chuyên gia khẳng định, nếu thực hiện đúng, đầy đủ và đáp ứng theo các yêu cầu, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất. EPR là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, để EPR đạt hiệu quả như mong muốn, để “sống xanh” trở thành một lối sống trong tương lai của người Việt, bên cạnh việc quyết liệt triển khai trách nhiệm thu gom, tái chế của doanh nghiệp, chúng ta cần triển khai hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt bởi các sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom, tái chế. Đồng thời, cần khuyến khích, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế.
PV
Bình luận