Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ năm, 28/11/2024 14:11
TMO - Ủy hội sông Mekong cần tăng cường hợp tác chia sẻ dữ liệu vận hành các công trình sử dụng nước giữa các quốc gia để giúp tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp do thiên tai, đồng thời hỗ trợ công tác lập kế hoạch và điều phối việc sử dụng nguồn nước bền vững trong lưu vực sông Mekong.
Báo cáo của Ủy hội sông Mekong cho thấy, năm 2024, Ủy hội đã hoàn thành việc mở rộng và vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước, đảm bảo cung cấp dữ liệu chính xác, liên tục cho công tác giám sát và dự báo thủy văn; xây dựng Kế hoạch thích ứng lưu vực bao gồm các giải pháp giảm thiểu rủi ro do thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; thực hiện Nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong quốc tế và Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương về thay đổi chế độ thủy văn sông Mekong, đề xuất các chiến lược thích ứng; tiếp tục thực hiện Bộ quy chế sử dụng nước của Ủy hội, đảm bảo việc sử dụng, quản lý tài nguyên nước công bằng, hợp lý và hiệu quả trên toàn lưu vực.
Theo Báo cáo, giai đoạn 2025-2026, Ủy hội sông Mekong sẽ tập trung nâng cấp và vận hành hiệu quả mạng quan trắc tài nguyên nước sông Mekong; Triển khai các chiến lược phát triển ngành (thủy sản, môi trường, biến đổi khí hậu…); Thực hiện các hoạt động tham vấn và giám sát đối với các dự án thủy điện dòng chính sông Mekong; Tăng cường công tác dự báo và cảnh báo lũ lụt, hạn hán; và Xây dựng Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 của Ủy hội.
Phiên họp Ủy hội sông Mekong lần thứ 31 diễn ra hôm 27/11 tại Lào.
Tại Phiên họp Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 31 vừa diễn ra mới đây tại Lào, các quốc gia thành viên Ủy hội cũng khẳng định vai trò của việc chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức trong lưu vực đối với tài nguyên nước, rủi ro thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại Phiên họp này, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ thiếu nước trong mùa khô, xâm nhập mặn ngày càng sớm và sâu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất lan rộng cả về phạm vi và mức độ. Những vấn đề này không chỉ đe dọa môi trường sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Trước các khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng trên lưu vực, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng Ủy hội cần hỗ trợ các quốc gia ứng phó hiệu quả hơn nữa với các tình huống khẩn cấp do thiên tai; đảm bảo các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực cả ở dòng chính và các dòng nhánh được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy tự nhiên; đảm bảo phát triển bền vững vì sự an ninh, thịnh vượng của mọi người dân sống trong lưu vực.
Đồng thời, ông đề xuất Ủy hội nên tập trung ưu tiên tăng cường hợp tác chia sẻ dữ liệu vận hành các công trình sử dụng nước giữa các quốc gia để giúp tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp do thiên tai, đồng thời hỗ trợ công tác lập kế hoạch và điều phối việc sử dụng nguồn nước bền vững trong lưu vực sông Mekong; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thông qua phát triển hệ thống dự báo thủy văn chính xác và dài hạn, thông tin kịp thời cho các quốc gia thành viên, đặc biệt trong tình huống thiên tai như bão lũ, hạn hán; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong quản lý tài nguyên và ứng phó thiên tai như sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để dự báo chính xác hơn về thuỷ văn, khí tượng; sử dụng cảm biến thông minh để giám sát thuỷ văn, cung cấp dữ liệu thời gian thực.
Mekong là một trong những dòng sông lớn, có mức đa dạng sinh học cao trên thế giới. Lưu vực sông rộng khoảng 795.000km2, trải dài từ Tây Tạng đến đồng bằng sông Cửu Long. Sông Mekong dài gần 5.000km và chảy qua 6 nước. Hạ lưu sông Mekong nằm ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, là nơi sinh sống của hơn hơn 65 triệu người. Hạ lưu sông Mekong tạo ra cơ hội thương mại, giao thông, an ninh lương thực, thu nhập và đồng thời là nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, hằng năm đem lại hơn 4 triệu tấn cá và các loài thủy sản khác.
Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân do tác động dòng chảy vùng hạ lưu sông Mekong. Ảnh: N.T
Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam). Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.
Tiền thân của Ủy hội là Ủy ban Mekong được thành lập từ năm 1957 (gồm 4 quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) với sự hỗ trợ của Ủy ban kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và một số nước khác nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên một cách công bằng và hợp lý giữa các quốc gia đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, sinh thái trong lưu vực sông Mekong.
PHAN HUÝNH
Bình luận