Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/04/2025 17:04
Thứ ba, 22/04/2025 14:04
TMO – Chính phủ yêu cầu chủ động bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Trong đó cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Chính phủ vừa ban hành Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo Công điện, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Trong đó cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ giao; đặc biệt 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý I năm 2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân để có giải pháp đột phá, khả thi, tăng tốc phát triển trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trình Chính phủ; trong đó điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên. Rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025. Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền; tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; đẩy nhanh giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của Bộ, cơ quan, địa phương mình.
Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 không quá 3.000 dự án; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và liên quốc tế. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng; các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2025 đối với số vốn đến hết ngày 15/3/2025 chưa phân bổ chi tiết; thống kê danh sách các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024. Tổng hợp báo cáo Chính phủ phương án phân bổ vốn, kinh phí còn lại của 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế đặc thù trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 4/2025 cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chung cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 – 2030.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tháng 4 năm 2025 đề xuất việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án, công trình đang và sẽ triển khai.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng; khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chính sách ưu đãi thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương; tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại toàn quốc, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn, từng mặt hàng và phạm vi cả nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", chương trình OCOP, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là về xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu và năng lượng.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt thép…, thiết kế mẫu lắp ghép nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tập trung triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2025; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa năm 2025…/.
VŨ MINH
Bình luận