Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 03:04
Thứ sáu, 28/03/2025 06:03
TMO - Trước tình trạng xâm nhập mặn vào sâu và có độ mặn cao như hiện nay, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của các ban ngành, nhiều nhà vườn, người dân tại tỉnh Bến Tre đã chủ động trong việc tích trữ nước ngọt, đồng thời sớm triển khai các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn trong thời kỳ cao điểm.
Năm 2025, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thuộc nhóm năm dưới trung bình, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60-75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực sông Mekong. Dự báo mặn xâm nhập mùa kiệt 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn tại ÐBSCL tiếp tục lên cao vào tháng 4-2025. Các địa phương trong vùng cần tăng cường kiểm tra nguồn nước trước khi sử dụng cho cây trồng, nuôi trồng thủy sản…
Cụ thể, trong tháng 4-2025, vùng thượng ÐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao, do đó người dân cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng ven biển ÐBSCL, xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh.
Các địa phương chủ động các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre…Đặc biệt Bến Tre là tỉnh ven biển có địa hình trũng thấp của ĐBSCL nên dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng và mặn xâm nhập.
Theo ngành chức năng tỉnh, hiện nay, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 42,5-58,4 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 52,9-70,5 km. Theo chia sẻ của người dân trồng sầu riêng tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), hiện nay hạn mặn chưa gây ảnh hưởng nhiều đến diện tích cây trồng, tuy nhiên trước đó, khoảng năm 2016, 2019 khi mặn tăng cao, người dân trở tay không kịp, cây trồng chết nhiều.
Hiện nay, bà con địa phương đã chuẩn bị tâm thế trước khi mặn đến với các biện pháp tỉa cành, tạo tán, phủ lá, bón phân hữu cơ cho cây trồng; vét mương; trữ nước tưới trong mương vườn nên khá yên tâm. Còn tại nơi chuyên trồng cây giống, hoa kiểng huyện Chợ Lách, ngay từ cuối năm 2024, UBND huyện Chợ Lách đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống hạn mặn cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn mặn. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chợ Lách cho biết, địa phương ưu tiên chủ động về nguồn nước thông qua các giải pháp trữ nước từ các công trình thủy lợi của Nhà nước.
Người dân huyện Chợ Lách cũng đã chủ động đào ao, lót bạt để trữ nước phục vụ sản xuất. Riêng đối với sản xuất, huyện tiến hành điều tiết mùa vụ, khuyến cáo người dân tránh để cây trồng cho trái vào mùa hạn mặn, đồng thời áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước. Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre thông tin, nhiều năm qua, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thích ứng, phòng chống hạn mặn mỗi khi mùa khô đến với các giải pháp công trình, phi công trình thiết thực.
Các công trình ngăn mặn tại Bến Tre đã phát huy hiệu quả.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, để chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025, tỉnh chủ động triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tương ứng với kịch bản xâm nhập mặn có thể tăng cao như mùa khô 2023-2024. Cụ thể, đối với Tiểu vùng Bắc Bến Tre (khu vực huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre), các công trình thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 (đê và các cống ven sông Tiền, cống Tân Phú, cống Bến Rớ, cống Sông Mã, hồ chứa nước Ba Lai,...) đã đưa vào sử dụng.
Các công trình giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Đối với khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, cống Bến Rớ, Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (JICA3) kết hợp với cống Trung Nhuận và Xẻo Rắn giúp kiểm soát được nguồn nước một phần huyện Giồng Trôm phía Ba Lai và huyện Ba Tri, phục vụ sản xuất cho hơn 12.000 ha trong khu vực. Đối với Tiểu vùng Nam Bến Tre (khu vực huyện Chợ Lách), các xã khu vực thượng nguồn (từ Hòa Nghĩa đến Phú Phụng) cơ bản nguồn nước đảm bảo (độ mặn ≤1,0‰).
Các xã còn lại, cần tăng cường vận động người dân tích trữ nước ngọt, thực hiện các công trình tạm, trữ nước cục bộ kết hợp để trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; các nhà máy nước cần theo dõi chặt diễn biến xâm nhập mặn để vận hành cấp nước cho phù hợp. Khu vực huyện Mỏ Cày Bắc, công trình cống Sa Kê, cống Giồng Keo, cống Bưng kết hợp với giải pháp ngăn mặn tạm thời tại cống Cái Hàng (đang thi công) tạo thành khu vực trữ nước Cái Hàng - Sa Kê.
Qua đó, góp phần ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các xã thuộc phía Tây của huyện Mỏ Cày Bắc, thị trấn Mỏ Cày Nam và một số xã lân cận. Đồng thời, cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 2.000 hộ dân ở 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc khi nguồn nước trên sông Mỏ Cày bị nhiễm mặn. Riêng khu vực Thạnh Phú, Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hồ chứa nước Lạc Địa tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây, với diện tích gần 93 ha. Dự kiến công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 8/2025. Theo UBND tỉnh Bến Tre, trên cơ sở dự báo của các ngành chức năng về tình hình xâm nhập mặn năm 2024- 2025, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cho các sở, ban, ngành, các cấp chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn mặn phù hợp với thực tiễn.
Người dân chủ động tích trữ nước ngọt để tưới cho sầu riêng trong cao điểm hạn mặn. (Ảnh: PA).
Các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025; theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp phòng chống hạn mặn trên vật nuôi.
Giám sát tình hình chăn nuôi, ảnh hưởng của hạn mặn để kịp thời có giải pháp ứng phó. Đơn vị Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương vận hành các công trình thủy lợi, tăng cường kiểm tra tình hình ô nhiễm nguồn nước nhằm tiêu mặn, lấy ngọt, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ sản xuất.
Trong thời gian tiếp theo, để ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu người dân sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc: Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước, dễ bị xâm nhập mặn và trồng các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định. Theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra cụ thể độ mặn nguồn nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chủ động điều tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất nhất là trong cao điểm mùa khô.
Ngọc Vân
Bình luận