Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 10/04/2024 16:04
TMO - Việc áp dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong vận hành lưới truyền tải điện giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời phát hiện sớm được các hư hỏng bất thường trên lưới điện.
Thời gian qua, Công ty Truyền tải điện 1 đã và đang tập trung triển khai ứng dụng thiết bị bay UAV trên diện rộng nhằm nâng cao chất lượng quản lý vận hành đường dây. Tại đội Truyền tải điện Phù Yên thuộc Truyền tải điện Tây Bắc 2 (Công ty Truyền tải điện 1) đang quản lý đường dây 500kV mạch kép là 85,025km, đường dây 220 kV mạch đơm là 87,149km, đường dây 220kV mạch kép là 0,33 km thuộc địa phận các huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Các tuyến đường dây này hầu hết đều ở trên núi cao, điều kiện giao thông đi vào các vị trí cột hết sức khó khăn, độ dốc lớn, đặc biệt vào mùa mưa đường trơn trượt làm ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý vận hành. Do vậy việc ứng dụng thiết bị bay không người lái UAV sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn hơn cho người lao động, kịp thời phát hiện sớm những sự cố, khiếm khuyết trên đường dây.
Ứng dụng thiết bị bay UAV đã được thực hiện với các nội dung công việc như: hỗ trợ kiểm tra định kỳ phần cột, chuỗi cách điện, phụ kiện, dây dẫn, kiểm tra hành lang, kiểm tra tình trạng móng cột, rãnh thoát nước; Hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật gồm: Kiểm tra phụ kiện mang điện và dây dẫn, giám sát kết quả thực hiện của đội công tác; Kiểm tra sau mưa bão gồm: Kiểm tra tình trạng sạt lở móng cột và tình trạng địa chất xung quanh, giảm nguy cơ rủi ro cho đội công tác, các vị trí nằm trong khu vực bị chia cắt; Kiểm tra sự cố gồm: Kiểm tra tình trạng các thiết bị mang điện bị phóng điện khi đường dây đang vận hành.
Kết quả cho thấy, sau một thời gian triển khai, công tác quản lý vận hành đường dây đã được nâng cao, công nghệ UAV đã phát hiện kịp thời các hư hỏng nằm ở vị trí khó khăn, các vị trí trên dây dẫn, dây chống sét mà khi đi kiểm tra bình thường không phát hiện được. Đảm bảo công tác kiểm tra thiết bị mà không cần phải cắt điện đường dây, đảm bảo ổn định cung cấp điện. Bên cạnh đó, công nghệ UAV cũng đã góp phần đảm bảo an toàn hơn, giảm rủi ro cho người công nhân quản lý vận hành và cán bộ quản lý kỹ thuật do không phải di chuyển ra những khu vực, vị trí nguy hiểm để kiểm tra thiết bị (như vùng thung lũng, núi cao, trên cột, ra dây dẫn, dây chống sét, một số hạng mục kiểm tra sẽ không phải cắt điện.
Các đơn vị tại Công ty Truyền tải điện 1 tập trung triển khai ứng dụng thiết bị bay UAV trên diện rộng nhằm nâng cao chất lượng quản lý vận hành đường dây.
Hay tại đội truyền tải điện Tuần Giáo thuộc truyền tải Tây Bắc 2 đang quản lý vận hành lưới truyền tải quốc gia với 79,9 km đường dây 500 kV Sơn La, Lai Châu. Đây là đường dây huyết mạch của hệ thống điện quốc gia nên công tác đảm bảo hành lang an toàn điện luôn là nhiệm vụ được đơn vị đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với trên 95% vị trí cột đều nằm ở khu vực thung lũng, các đỉnh, sườn núi cao nên công tác kiểm tra, giám sát dây dẫn, mối nối, khung định vị, phụ kiện tại những cung đoạn này rất khăn. Đặc biệt khí hậu khắc nghiệt của vùng miền, làm cho tuổi thọ các phụ kiện của đường dây 500kV dễ bị hao mòn Để tiếp cận gần với dây dẫn, dây chống sét, mối nối, mối vá, khóa néo, phụ kiện với nhiều góc độ khác nhau, Truyền tải điện Tuần Giáo đã ứng dụng công nghệ UAV vào công tác kiểm tra đường dây truyền tải.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ cụ thể là UAV giúp phát hiện sớm các hư hỏng bất thường trên lưới điện mà bằng mắt thường con người khó nhận biết, tiết kiệm thời gian, công sức của công nhân, giảm ảnh hưởng của điện từ trường và giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao. Những hình ảnh được ghi lại từ UAV – thiết bị bay không người lái tại được đội truyền tải điện Tuần Giáo thực hiện kiểm tra đường dây 500kV Điện Biên - Sơn La. Thiết bị này có thể kiểm tra được chi tiết các tổn thương, hư hỏng phần móng, cột, nhìn thấy rõ các góc cạnh khác nhau của phụ kiện đường dây.
Đặc biệt truyền tải điện Tuần Giáo đang vận hành đường dây composite đây là đường dây có chế độ vận hành phức tạp, bởi đường dây có nhiều lõi cách điện nếu không phát hiện kịp thời sự lão hóa đường dây rất dễ xảy ra phát nhiệt cách điện. Việc áp dụng thiết bị bay không người lái UAV cũng đã góp phần đảm bảo an toàn hơn, giảm rủi ro tai nạn lao động cho người công nhân quản lý vận hành và cán bộ quản lý kỹ thuật do không phải di chuyển ra những khu vực, vị trí nguy hiểm để kiểm tra thiết bị (như vùng thung lũng, núi cao, trên cột, hay dây dẫn, dây chống sét).
Có thể thấy việc ứng dụng thiết bị UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây truyền tải điện đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả người lao động. Thiết bị UAV ứng dụng chức năng AI tự phân tích hình ảnh qua đó nhận diện các hư hỏng, khiếm khuyết trên đường dây như cách điện, phụ kiện bị hư hỏng (vỡ, nhiễm bẩn, rỉ sét…) và đưa ra cảnh báo tồn tại cho người quản lý vận hành trực tiếp để có giải pháp xử lý kịp thời từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành lưới điện đã góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, các chỉ tiêu về thời gian mất điện, tần suất mất điện… đã giảm đáng kể, đem đến sự hài lòng cho khách hàng sử dụng điện tại địa bàn.
Đức Huy
Bình luận