Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Chủ nhật, 31/07/2022 06:07
TMO - Để hạn chế những thiệt hại từ thiên tai và ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi tôm hùm, nhiều ý kiến cho rằng các hộ sản xuất tại tỉnh Phú Yên cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ.
Thông tin từ hội thảo “Khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm tôm hùm bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030" cho biết, hiện nay tỉnh Phú Yên có khoảng 88.926 lồng nuôi thủy sản, trong đó tập trung nhiều nhất tại thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An. Riêng thị xã Sông Cầu năm 2021, có 4.852 hộ nuôi tôm hùm với 58.695 lồng nuôi đạt sản lượng 1.050 tấn (sản lượng trung bình hàng năm đạt 1.000 tấn với giá trị từ 660 - 995 tỷ đồng/năm).
Nghề nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng còn nhiều thách thức như: Việc quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi, các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt trước nhiều rủi ro và thách thức khi có thiên tai, dịch bệnh nhất là khi xảy ra dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tôm hùm tiêu thụ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi tôm hùm góp phần giảm thiệt hại từ thiên tai, ô nhiễm môi trường
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, trước những thách thức trên việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nghề nuôi tôm hùm là đặc biệt cần thiết. Bên cạnh đó, với những yêu cầu khắt khe từ thị trường tiêu thụ, đòi hỏi các hộ nuôi cần cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại địa phương.
Để hạn chế những thiệt hại từ thiên tai và ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi tôm hùm, theo Tiến Sỹ Thái Ngọc Chiến – Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, người nuôi có thể ứng dụng công nghệ nuôi trên bờ và công nghệ nuôi bằng lồng HDFE theo kiểu Na Uy. Tại tỉnh Phú Yên, việc nghiên cứu các vùng mở (xa bờ) để phát triển nuôi tôm hùm là cần thiết và ứng dụng lồng nuôi kiểu Na Uy. Điều này sẽ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây nên. Ưu điểm của lồng HDPE là nuôi mật độ cao, năng suất cao, tuổi thọ lồng cao (trên 10 năm), dễ dàng di chuyển...
Khi áp dụng 2 công nghệ nuôi này, các yếu tố rủi ro như: Chế độ cho ăn và kiểm soát dịch bệnh sẽ được khắc phục. Cùng với đó là có khả năng chống chịu sóng gió tốt khi có thiên tai xảy ra, giúp tôm hùm có điều kiện sinh trưởng nhanh
Ngoài ra, thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm cũng là một giải pháp khoa học công nghệ cần được ứng dụng. Hiện tại, thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn tươi sống (gọi là cá tạp) và đang suy giảm và phụ thuộc vào tự nhiên nên thiếu hụt. Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang hoàn thiện các nghiên cứu về thức ăn công nghiệp.
Tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của tôm hùm, quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Kết quả nuôi thử nghiệm trong lồng biển ở tỉnh Khánh Hòa được ghi nhận là cả hai loại tôm này đem lại hiệu quả kinh tế, tương đương với nuôi bằng thức ăn tươi sống.
Ngoài ra, việc xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm ngoài việc khẳng định thương hiệu sẽ là cơ sở khoa học để tỉnh Phú Yên có hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế. Trong những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Thu Hoài
Bình luận