Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 25/09/2024 14:09
TMO - Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nước ta. Do đó, để kịp thời đánh giá thiệt hại của vùng ngập lụt và khu vực lân cận, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã sử dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh radar.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm nay. Tính đến ngày 19/9, có hơn 350 người chết, mất tích và khoảng 1.900 người bị thương do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó còn có hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học, cơ sở vật chất bị hư hại, hàng trăm sự cố đê điều bị ảnh hưởng…
Trước thực tế đó, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã xử lý các hình ảnh vệ tinh radar nhằm đánh giá nhanh thiệt hại tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng do bão Yagi và vùng lũ lụt lân cận Hà Nội.
Lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, tại thời điểm sau khi bão số 3 đổ bộ và hoàn lưu sau bão, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã sử dụng dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để có cái nhìn ban đầu nhằm đánh giá nhanh thiệt hại tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Dữ liệu được thu thập bao gồm 2 cảnh ảnh Sentinel-1 (vệ tinh SAR của Châu Âu, băng tần C, độ phân giải không gian 10m) chụp ngày 29/8/2024 (thời điểm trước bão) và chụp ngày 10/9/2024 (thời điểm bão vừa đi qua). Đồng thời sử dụng các công cụ xử lý ảnh nhanh trên phân cực VV, tăng cường chất lượng ảnh và đánh giá bằng cảm quan, các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển đã bị thiệt hại rất nặng nề.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, để khảo sát đánh giá vùng bị ngập Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ chụp ảnh vệ tinh và bước đầu thu được kết quả. Trong đó, hình ảnh vệ tinh viễn thám radar ASNARO-2 (băng tần X, độ phân giải 2m, tương tự vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam trong tương lai) chụp vào 17h33' ngày 12/09/2024, khu vực Hà Nội và vùng phụ cận. Các kết quả này mới chỉ là kết quả bước đầu dựa trên xử lý nhanh ảnh SAR bởi các cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Qua đó cũng cho thấy tính ưu việt của ảnh SAR trong cung cấp thông tin liên quan đến thiên tai nhờ khả năng chụp xuyên mây (trong thời gian này ảnh vệ tinh quang học không quan sát được mặt đất). Để đánh giá chính xác hơn, cần nhiều thời gian xử lý hơn và phối hợp với thông tin kiểm chứng thực địa. Tuy vậy, trong tình hình gấp rút ứng phó với bão, mọi thông tin có được đều hết sức quý giá
Trong thời gian tới, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nước ngoài để khai thác ảnh vệ tinh SAR và xử lý nhanh nhằm đưa ra các thông tin góp phần chủ động ứng phó với hoàn lưu các cơn bão. Đặc biệt là tập trung hoàn thiện vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam để có thể phóng lên quỹ đạo vào năm 2025.
Vệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất". Vệ tinh có trọng lượng 600 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.
Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường. Khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng cực đoan, công nghệ hiện đại đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về thiên tai. Sự phát triển công nghệ không chỉ cải thiện độ chính xác của dự báo mà còn thay đổi cách chúng ta chuẩn bị, ứng phó và tổng hợp nhanh những thiệt hại do bão, lũ lụt…gây ra. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm của các nhà khí tượng học sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo để ứng phó hiệu quả hơn với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nguyễn Mai
Bình luận