Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Chủ nhật, 18/06/2023 06:06
TMO - Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và ban hành ngày 30 tháng 9 năm cuối cùng của chu kỳ 3 năm để áp dụng cho chu kỳ 3 năm tiếp theo.
Ảnh minh họa.
Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc; tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc thì được bảo lưu phần tỷ lệ chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo
Cũng theo quy định, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một hoặc các giải pháp tái chế phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với sản phẩm săm, lốp, theo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên của săm, lốp là 5%. Quy cách chế tái chế săm, lốp là: Thu hồi tối thiểu 40% khối lượng của sản phẩm, bao bì được tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc. Giải pháp tái chế được lựa chọn gồm: Lốp dán công nghệ cao theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất; Cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu; Chưng phân đoạn thành dầu.
PV
Bình luận