Hotline: 0941068156
Thứ hai, 24/02/2025 21:02
Thứ hai, 24/02/2025 10:02
TMO – Hệ thống đô thị quốc gia với hơn 900 đô thị có bối cảnh phát triển rất phong phú, đa dạng theo 6 vùng kinh tế - xã hội, các đô thị cũng đã trải qua quá trình đầu tư và phát triển gắn với đặc điểm tự nhiên và các yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các đặc điểm, đặc thù đó tạo nên nguồn lực riêng có cho mỗi địa phương.
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Luật đã quán triệt quan điểm phân cấp, phân quyền, địa phương quyết định, địa phương làm, trung ương hướng dẫn, hỗ trợ, cộng đồng tham gia, giám sát với nhiều giải pháp cụ thể, đa dạng để thúc đẩy sáng tạo không gian phát triển, nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế của các đô thị, các địa phương và cả nước.
Mỗi đô thị đều có quy hoạch đô thị để định hướng phát triển cho giai đoạn 20 đến 25 năm, có thể tầm nhìn dài hạn đến 50 năm. Để bảo đảm sự tuân thủ, đồng bộ với tầm nhìn dài hạn của quy hoạch trong quá trình triển khai quy hoạch và quan trọng hơn là tích hợp được đầu tư công với việc thu hút được nguồn lực phát triển từ xã hội, cộng đồng để phát huy hiệu quả tổng hợp của nguồn lực, Luật Quản lý phát triển đô thị đã đề xuất các địa phương ban hành chương trình phát triển đô thị triển khai quy hoạch đô thị được duyệt, xác định nhiệm vụ ưu tiên gắn với thời hạn hoàn thành hạ tầng khung của đô thị theo từng giai đoạn với từng khu vực phát triển đô thị.
(Ảnh minh họa)
Nội dung chương trình cũng sẽ lồng ghép kế hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, không gian ngầm đô thị và phương án cải tạo đô thị… Có thể nói, đây là công cụ có vai trò điều tiết đồng bộ, thống nhất việc triển khai quy hoạch được duyệt, đồng thời công khai minh bạch thông tin về dự kiến thực hiện các trách nhiệm của nhà nước. Theo đó, đầu tư của xã hội và thị trường sẽ phát triển một cách chủ động, minh bạch hơn, hạn chế tình trạng dư thừa do đầu tư đúng với quy hoạch nhưng không sát với nhu cầu hoặc ngược lại là tình trạng hạ tầng khung không đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tế.
Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị đã giao địa phương quyết định toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, xác định thứ tự ưu tiên, nguồn lực thực hiện phát triển đồng bộ hạ tầng khung đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu vực phát triển đô thị, khu vực cải tạo đô thị. Theo đó, địa phương sẽ chủ động quyết định các nhiệm vụ, giải pháp sát với tiềm năng, nhu cầu theo nguồn lực của từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, sẽ đảm bảo một sự kết nối liên tục giữa các giai đoạn trong việc thực hiện quy hoạch đô thị cũng như sự chủ động điều chỉnh khi có sự điều chỉnh của quy hoạch đô thị. Ý kiến góp ý của các địa phương đều đánh giá cao chủ trương phân cấp này.
Để các địa phương chủ động trong việc tổ chức phát triển đô thị, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị đã tập trung quy định về những kết quả và những nguyên tắc, yêu cầu cần đáp ứng của quá trình phát triển thay vì chú trọng các trình tự phải tuân thủ. Dự thảo Luật đã quy định về các chỉ tiêu phát triển hệ thống đô thị, các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển hạ tầng và không gian đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường cũng như các yêu cầu phát triển đô thị bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, ứng dụng đô thị thông minh.
Với công cụ chương trình phát triển đô thị sẽ giúp các địa phương xây dựng và lựa chọn giải pháp tối ưu nhằm đạt được các kết quả phát triển mong muốn trong từng giai đoạn. Đó là những cơ sở pháp lý để các địa phương chủ động áp dụng các giải pháp cụ thể rất đa dạng trong thực tiễn nếu đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu mà luật đã nêu, qua đó sáng tạo không gian chủ động cho các địa phương. Dự thảo Luật đã được xây dựng theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính giữa trung ương, địa phương với doanh nghiệp, người dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển đô thị. Dự thảo Luật quy định duy nhất một thủ tục bàn giao quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả trong thời gian qua, được kế thừa từ quy định tại Luật Xây dựng.
Đồng thời, dự thảo Luật đã cắt, giảm thủ tục hành chính trong việc lập, thẩm định, phê duyệt công cụ quản lý thông qua quy định lồng ghép các nội dung phát triển đồng bộ hạ tầng, phương án tổng thể cải tạo đô thị… trong nội dung chương trình phát triển đô thị. Đối với hơn 700 đô thị loại V có quy mô nhỏ, dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh tự quyết định việc lồng ghép nội dung chương trình phát triển đô thị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch chung đô thị hoặc phê duyệt riêng.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính đối với các đô thị đặc biệt, không yêu cầu rà soát tiêu chuẩn phân loại toàn đô thị khi thành lập mới quận để phủ hợp thực tiễn. Cùng với các quy định giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý. Đồng thời, quy định trách nhiệm trong công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu theo lĩnh vực để nâng cao năng lực cán bộ quản lý và chuyên môn phát triển đô thị.
Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo với mục tiêu nhằm tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh về đô thị, quản lý phát triển đô thị hiện nay đang được quy định tại nhiều pháp luật khác nhau trong khi chưa có một pháp luật chung để hệ thống hóa, gắn kết các pháp luật liên quan trong khi đô thị là một thực thể thống nhất, là không gian để các hoạt động kinh tế - xã hội cùng diễn ra trong bối cảnh cần có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực.
Việc quản lý phân tán ở các đơn vị cơ quan chuyên môn khác nhau gây khó khăn cho quá trình phối hợp thực hiện nhất quán, đồng bộ các chính sách phát triển đô thị. Nhiều nội dung quản lý còn thiếu, không theo kịp thực tế như quản lý tái phát triển đô thị tại các đô thị hiện hữu, hình thành và phát triển các mô hình đô thị tiên tiến theo xu hướng phát triển bền vững, hình thành cơ chế tạo nguồn lực tập trung phát triển đô thị…/.
ĐOÀN VINH
Bình luận