Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 05/02/2022 23:02
TMO - Nằm ở ven biển khu Nam Trung bộ, tỉnh Phú Yên là nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương hơn 30 năm qua. Nghề này không chỉ là bước đột phá phát triển kinh tế thủy sản, mà còn góp phần đổi mới đời sống hàng chục ngàn gia đình ngư dân ở địa phương này.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 4.106 tàu cá, trong đó 2.676 tàu có chiều dài dưới 12m hành nghề ở vùng biển ven bờ, 775 tàu dài từ 12-15m khai thác hải sản vùng lộng và 655 tàu cá dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản trên biển của tỉnh Phú Yên đạt 61.639 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt 3.100 tấn.
Năm 2021 mặc dù vấp phải rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu biến động tăng bất thường, dịch bệnh Covid-19 khởi phát, nhân lực nghề cá thiếu nghiêm trọng, nhưng tổng sản lượng khai thác trên biển của tỉnh Phú Yên vẫn đạt gần 61.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt gần 3.000 tấn.
Điều đáng ghi nhận là tỉnh Phú Yên đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) như khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), góp phần khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Cảng cá Đông Tác ở TP. Tuy Hòa đón tàu chuyên nghề câu cá ngừ đại dương
Nói về nghề câu cá ngừ đại dương, nhiều ngư dân chia sẻ, mỗi chuyến đi biển của họ ít nhất phải 1 tháng, trong khi giá cá biến động bất thường, lúc cao điểm giá mỗi cân cá ngừ đại dương loại 1 từ 130–135 nghìn đồng, nhưng cũng có lúc tụt xuống 85– 90 nghìn đồng, còn hiện nay giá mỗi cân 125 nghìn đồng.
Theo Ban quản lý cảng cá Phú Yên, toàn tỉnh chỉ có cảng cá Đông Tác ở TP. Tuy Hòa đón tàu chuyên nghề câu cá ngừ đại dương và cũng là nơi neo đậu an toàn của hơn 600 tàu cá. Tại cảng này có 8 doanh nghiệp đặt cơ sở thu mua loại cá này, nguồn thu nhập của ngư dân không chỉ là sản lượng, mà còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, giá cả và nhu cầu thị trường từng thời điểm.
Đại diện phòng NG&PTNT tỉnh cho biết, thách thức lớn nhất trong hoạt động khai thác cá ngừ đại dương ở tỉnh này là hầu hết là tàu cá vỏ gỗ dài dưới 24m, thiết bị bảo quản cá ngừ đại dương còn thô sơ trong khi thời gian khai thác dài ngày, nên khi về đến cảng thì chất lượng sản phẩm giảm sút. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần tại các cảng cá chưa đáp ứng về quy mô và chất lượng; chợ đấu giá cá ngừ đại dương chưa có nên ngư dân gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương, tỉnh Phú Yên không chỉ tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương, mà còn tập trung xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật tàu cá, nghề cá, kỹ thuật bảo quản, chế biến; xây dựng liên kết các bên theo chuỗi giá trị giữa các tổ, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ đại dương ở nước ngoài.
Tỉnh Phú Yên tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương
Bên cạnh đó cần tổ chức các đội tàu cá tham gia đề án, phát triển sản xuất cá ngừ đại dương chất lượng cao, thu mua, xuất khẩu thông qua giám sát quá trình đánh bắt, sơ chế, bảo quản và vận chuyển cá ngừ đại dương; tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong giai đoạn 2022 – 2025 cần ưu tiên đầu tư nâng cấp cảng cá Đông Tác thành cảng cá ngừ đại dương và cũng là chợ đấu giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên.
Vừa qua, tỉnh Phú Yên đã ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “Vua cá ngừ” Nhật Bản Kiyoshi Kimura. Hoạt động này mở ra cơ hội trong nghề câu cá ngừ đại dương của Phú Yên để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu nhập bền vững cho ngư dân từ những ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường khai thác thủy sản.
Hoài Dương
Bình luận