Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ ba, 14/06/2022 16:06
TMO - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, tuy nhiên trong quá tình phát triển, thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề vê môi tường do quá trình đô thị hóa như vấn đề rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tại TP.HCM hiện đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí nói chung và phơi nhiễm bụi mịn nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, nhất là bệnh về đường hô hấp…
Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ các phương tiện tham gia giao thông chiếm tỉ lệ rất lớn, trong đó chủ yếu là xe máy. Ngoài ra, các ngành sản xuất công nghiệp cũng là nguồn phát thải cao.
Khí thải từ phương tiện ô tô, xe máy là nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm môi trường không khí tại TP HCM. Ảnh: Minh Quân
Hiện nay, lượng bụi mịn PM2.5 của TP.HCM cao gấp 4 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép của WHO. Trong đó, tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố.
Theo thống kê, tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP.HCM năm 2019 là 58.272.149 tấn CO2eq/năm. Chỉ riêng giao thông đường bộ chiếm 13.484.958 tấn CO2eq/năm. Trong đó, xe máy đóng góp cao nhất (63%) phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực công nghiệp chiếm 17.612.942 tấn CO2eq/năm.
Đề xuất giải pháp hạn chế khí thải, các chuyên gia kiến nghị thành phố cần bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu. Đồng thời, cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho việc sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng…
Ngành GTVT thành phố triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống giao thông công cộng
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng ô nhiễm không khí từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Ngoài ra, địa phương này nên kiểm soát ngay khí thải xe gắn máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát. Thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, thành phố yêu cầu Sở TN&MT quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí. Cạnh đó, thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí.
Sở TN&MT tiếp tục theo dõi dữ liệu quan trắc môi trường tự động
Đồng thời, thành phố yêu cầu Sở TN&MT theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.
Sở GTVT được giao tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cần chủ trì thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Trong đó tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Song song đó, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland triển khai dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR.
Dự án được triển khai từ năm 2020 với quy mô xây dựng 6 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động tại TP.HCM. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu không khí, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích tác động của ô nhiễm không khí. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ô nhiễm không khí trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP.HCM.
Tất cả kết quả về thông tin ô nhiễm không khí này đưa đến với người dân thông qua 1 App trên điện thoại Healthy AIR. Ứng dụng Healthy AIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như: O3, NO2, SO2, PM2.5, CO…; đồng thời đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang, hô hấp.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ tiếp tục xây dựng thêm 10 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP.HCM để có thể đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm không khí trên toàn địa bàn thành phố.
Lê Hồng
Bình luận