Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Chủ nhật, 22/05/2022 21:05
TMO - Dù mới bước vào đầu mùa mưa năm 2022, nhưng tình trạng ngập lụt đã xảy ra trên nhiều đoạn đường, khu dân cư khu vực đô thị tại tỉnh Đồng Nai. Điều này, đòi hỏi cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp giải quyết tình trạng ngập úng, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Năm 2022, mùa mưa bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm, vào nửa cuối tháng 4 và dự kiến kết thúc vào nửa cuối tháng 11, muộn hơn trung bình nhiều năm. Riêng tháng 5, có khả năng xuất hiện mưa to cục bộ với lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 15-30%.
Vì thế ngành khí tượng thủy văn tỉnh kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai một cách sâu rộng. Ban quản lý các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông Đồng Nai, La Ngà cần tiếp tục duy trì việc kịp thời cung cấp các thông tin vận hành điều tiết hồ chứa để chúng tôi chủ động, chính xác hơn trong việc dự báo, nhận định đúng diễn biến thủy văn trên các sông.
Nhiều khu vực tại thành phố Biên Hòa ngập sâu khi mưa khi mưa lớn kèo dài. Ảnh: Anh Trọng
Thành phố Biên Hòa có nhiều khu vực là “điểm nóng” ngập nước mỗi khi thành phố bước vào mùa mưa bão. Nhất là tại khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Bùi Trọng Nghĩa với đường Đồng Khởi), mỗi khi mưa lớn kéo dài khoảng 30-45 phút lại ngập nặng, khiến các phương tiện lưu thông bị ùn tắc hàng cây số.
Trước thực trạng này UBND thành phố phân công các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ngập lụt tại các địa phương. Chú trọng đến công tác vận động nhân dân tổ chức nạo vét lại các mương, cống, rãnh thoát nước kết hợp với chương trình xã hội hóa giao thông. Thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xây cất nhà ở, công trình phụ lấn chiếm dòng chảy ngay từ đầu mùa mưa để thông thoát dòng chảy hạn chế được ngập úng cục bộ.
Một số khu vực dù đã được xử lý nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng ngập nước chủ yếu do người dân vứt rác bừa bãi; việc thu gom rác chưa kịp thời, hợp lý nên khi mưa xuống cuốn rác trôi xuống, bịt các miệng cống. Để giải quyết vấn đề này, TP Biên Hòa sẽ tiến hành xử lý nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi ra đường, đảm bảo khơi thông các miệng cống thoát nước đồng thời tính toán lại thời gian thu gom rác thải sinh hoạt.
Các địa phương tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước, hạn chế tình trạng ngập xảy ra sau mưa lớn. Ảnh: ĐT
Tại thành phố Long Khánh, nhiệm vụ đồng bộ hệ thống thoát nước và đường giao thông được địa phương này chú trọng nhằm hạn chế ngập úng đô thị xảy ra. Theo đó, chính quyền TP.Long Khánh đã chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và đường giao thông, đáp ứng khả năng tiêu thoát nước tại khu vực.
Cụ thể, hiện nay thành phố đang đồng bộ triển khai các dự án như: cải tạo, nâng cấp đường Hùng Vương; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Trãi; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Thị Minh Khai nối dài (giai đoạn 2) từ nút giao đường Quang Trung đến đường Nguyễn Trãi; dự án chống ngập úng Suối Cải... qua đó góp phần giảm ngập úng cục bộ khu vực nội thành trên địa bàn thành phố.
Ngập nặng thường xảy ra tại khu vực phường Phước Tân, phường Long Bình Tân, phường Trảng Dài, đường Đồng Khởi, vòng xoay cổng 11 (TP.Biên Hoà); QL51, QL1A nhiều đoạn qua Đồng Nai; nhiều vùng thuộc huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom...
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương, đơn vị thi công triển khai nhanh chóng các dự án cống thoát nước trên địa bàn
Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan (TP.Biên Hoà) nhằm giải quyết tình trạng ngập úng. Ngoài ra còn triển khai các công trình chống ngập trên quốc lộ 51, đường Trần Quốc Toản, QL1A, đường Nguyễn Phúc Chu... Lên kế hoạch nạo vét, nâng cấp các suối lớn như Săn Máu, Suối Linh, Bà Lúa...
Cùng với các giải pháp trong việc đầu tư hạ tầng phục vụ công tác phòng chống ngập, lực lượng Công an tỉnh chủ động phương án sẵn sàng ứng phó, cứu nạn khi xảy ra mưa lớn gây ngập. Theo đó, các đơn vị công an huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phương án ứng cứu khi có ngập lụt, mưa lớn, bảo vệ tài sản, chống cắt trộm các thiết bị điện và viễn thông trong lúc có lụt, bão. Phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể và các tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân để nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng, chống khi có sự cố ngập lụt xảy ra.
Mạnh Tùng
Bình luận