Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ năm, 12/09/2024 13:09
TMO – Các địa phương cần kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các địa phương về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn cho người dân…
Đặc biệt, khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
Nước lũ lên cao, người dân ngoại thành Hà Nội di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Cơ quan này cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân. Liên quan đến công tác đảm bảo y tế trong phòng chống và khắc phục bão số 3, Bộ Y tế cung đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu đảm bảo nhân lực trực 24/24h đáp ứng khám chữa bệnh và không để gián đoạn cấp cứu; triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong và sau bão...; đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch trong mùa mưa bão.
Dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường khi nước lũ rút.
Thiệt hại về nông nghiệp, theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 7h sáng nay 12/9 ghi nhận 195.929 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại. Trong đó Hải Phòng 23.870ha; Nam Định 30.271ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hưng Yên 2.012ha; Hải Dương 20.467ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Giang 18.779ha; Bắc Ninh 4.711ha; Lạng Sơn 5.220ha; Vĩnh Phúc 9.054ha; Thái Nguyên 7.332ha; Tuyên Quang 4.362ha,…
Khoảng 35.010 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại Hải Phòng 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 4.046ha; Hải Dương 3.159ha; Bắc Giang 1.981ha; Hoà Bình 6.728ha; Phú Thọ 1.631ha; Lạng Sơn 1.849ha,... Khoảng 22.237 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 2.130ha; Thái Bình 1.385ha; Hà Nội 3.924ha; Hưng Yên 2.953ha; Hải Dương 3.163ha; Bắc Giang 6.669ha,…).
Khoảng 1.790 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...). Hơn 2.500 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 388.605, Hải Phòng 644.452 gia cầm; Thái Nguyên 292.696)…/.
THIÊN LÝ
Bình luận