Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 26/01/2022 13:01
TMO - Từ ngày 1/1/2022, theo quy định tại Điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, rác thải sinh hoạtphát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (RTSH) phải được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển RTSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc không thực hiện phân loại RTSH tại nguồn cũng sẽ bị xử phạtvi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trước hết cần khẳng định việc phân loại RTSH tại nguồn là hoàn toàn cần thiết. Chúng ta đều biết, chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Như vậy, rõ ràng là về lâu về dài việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải là điều cần thiết và chúng ta đang tích cực thay đổi theo định hướng này. Tuy nhiên, có một điều cần quan tâm. Đó là thực tế áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến ở một số nước phát triển như Thụy Điển, Nhật bản, Hàn Quố, Hoa Kỳ…cho thấy, một trong những điều kiện quan trọng để xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến là thực hiệnphân loại rác tại nguồn. Điển hình là so với các nước Châu Âu, Nhật Bản không phải là quốc gia đi đầu về tái chế rác thải nhưng họ làm việc này rất hiệu quả.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân là do Nhật Bản làm rất tốt việc phân loại rác và xử lý ráctại nguồn. Rác thải của Nhật Bản được quản lý có chiều sâu nhờ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi quy định của người dân. Và điều đó cũng là nhờ quốc gia này có những chế tài xử lý rất nghêm khắc với các hành vi vi phạm đi đôi với việc tạo điều kiện thuân lợi để người dân thực hiện công việc này. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế là để thực hiện đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 không hề đơn giản. Và cũng có thể thấy rằng, dù đã có một quãng thời gian không ngắn để chuẩn bị nhưng cho đến thời điểm đầu năm 2022 này, khi Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực,việc thực hiện các quy định này vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, xin nêu hai vấn đề được xem là cốt yếu:
Thứ nhất, việc tuyên truyền về quy định bắt buộc phân lọai RTSH tại nguồn cũng như các nội dung khác của Luật bảo vệ Môi trường 2020 chưa đúng mức cần thiết, hầu như chỉ mới tập trung sau khi Luật được thông qua năm 2020 và lại rộ lên thời gian gần đây khi Luật này có hiệu lực vào 1/1/2022. Do vậy, người dân chưa có nhận thức đầy đủ, nhiều người thậm chí chưa hề biết đến quy định này chứ chưa nói đến việc thực hiện nghiêm túc.
Thứ hai, nguyên nhân này khá quan trọng, việc chuẩn bị của cơ quan chức năng cho việc này còn thiếu chu đáo. Cho đến nay, ở nhiều địa điểm công cộngở các đô thị, cụ thể là ở Hà Nội,vẫn chưa có các thùng rác chứa các loại rác khác nhau theo quy định. Quan sát tại khu vực trung tâm thành phố, cụ thể là xung quanh Hồ Gươm và một số trục đường chính gần đó, thùng rác công cộng vẫn là loại cũ. Các hộ gia đình ở thành phố thì hầu như chưa được cung cấp những bao, túi đựngtừng loại rác theo quy định. Nói cách khác là người dân chưa được tạo điều kiện cần và đủ để thực hiện nghêm các quy định này. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Với Luật bảo vệ môi trường 2020, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Điều đó cũng có nghĩa là công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc thực hiện quy định phân loại RTSH tại nguồn có đạt kết quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hành động của cộng đồng và mỗi người dân. Và để đạt được điều đó, cần làm thật tốt vận động, tuyên truyền, hướng dẫn để mỗi người, mỗi nhà hiểu rõ lợi ích và sự cần thiết mà làm theo. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, vai trò của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm triển khai, giám sát việc thực hiện những quy định này là vô cùng quan trọng.
Người dân chỉ có thể thực hiện tốt việc phân loại RTSH tại nguồn khi được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc đó và khi họ thấy đây là việc của mọi người, mọi nhà, đem lại lợi ích cho chính mình và cả cộng đồng. Cần nhắc lại, khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới. Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (gọi tắt là 3R) được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân cũng là do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Đáng buồn hơn, khi một số hộ dân chấp hành thực hiện việc phân rác tại nguồn, nhưng ra đến chỗ tập trung rác, công nhân vệ sinh môi trường lại cho chung vào một chỗ. Nhắc lại như vậy cũng là muốn nhắc tới một bài học để việc thực hiện quy định cần thiết này thành công, cũng là để rút kinh nghiệm, tránh đi theo vết xe đổ của những lần thực hiện trước đó.
Việt Anh
Bình luận