Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 08/03/2024 19:03
TMO – Các địa phương cần xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.
Theo đó, Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 nêu rõ nhiệm vụ của các địa phương trong ứng phó sự cố chất thải. Theo đó, các địa phương cần thực hiện theo đúng Nghị định 08/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể: Chủ trì, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh theo quy định.
Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho UBND cấp dưới về quản lý chất thải theo quy định; quy định giá cụ thể được tính đúng, tính đủ đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn.
(Ảnh minh họa)
Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn quản lý và có trách nhiệm công khai thông tin cho cộng đồng theo các hình thức về công khai thông tin; làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.
Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn. Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương). Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các cơ sở trên địa bàn: Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở (UBND cấp tỉnh quy định các dự án đầu tư, các cơ sở phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cấp cơ sở) phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường.
Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố. Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.
Trước đó, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải. Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa các sự cố chất thải xuyên biên giới.
Mục tiêu cụ thể: Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề; trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, lưu giữ chất thải nguy hại... Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với vùng, miền, Tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.
THANH BÌNH
Bình luận