Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ hai, 11/12/2023 07:12
TMO - Tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TP. HCM thấp nhấp trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt 0,55 m2/người. Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng.
TP. HCM đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2020 – 2025 nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của thành phố. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 450 ha đất công viên cây xanh công cộng để hướng tới chỉ tiêu 1 m2 cây xanh/người.
Trong đó, giai đoạn từ năm 2020 – 2025, thành phố sẽ có thêm 150 ha đất công viên công cộng, cải tạo và trồng mới 30.000 cây xanh. Diện tích công viên công cộng trên đầu người đạt 0,65 m2/người. Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện trồng khoảng 26.000 cây xanh, đạt 87% kế hoạch. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để đạt chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị đạt 0,65 m²/người năm 2025, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển tăng thêm 150ha đất công viên, cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ mới phát triển thêm 21,7ha công viên, cây xanh, đạt khoảng 14,5% so với chỉ tiêu đề ra.
Tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TP.HCM thấp nhấp trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt 0,55 m2/người. Ảnh: TV.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh. Trong đó, tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TP.HCM là thấp nhấp trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt 0,55 m2/người. Xếp sau Hà Nội (2,06 m2/người), Đà Nẵng (2,4 m2/người), Hải Phòng (3,41 m2/người). Như vậy, tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội đang gấp 3,7 lần TP.HCM, Đà Nẵng gấp 4,3 lần và Hải Phòng gấp 6,2 lần TP.HCM.
TP.HCM hiện đang có kế hoạch trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, dẫn nhập và trồng thêm 20.000 cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng thành phố, đồng thời ban hành kế hoạch trồng thêm rừng ở ngoại thành. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu này thì cũng đặt ra nhiều nội dung về công tác quản lý khai thác công viên cây xanh hiện hữu, công tác quy hoạch, các giải pháp thực hiện của cơ quan chức năng.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại TP.HCM, không ít chủ đầu tư chỉ xây dựng hạ tầng và nhà ở mà không xây xây dựng công viên, các công trình công cộng trong khuôn viên dự án như đã cam kết. Liên quan vấn đề xây dựng công viên, mảng xanh tại các dự án, UBND TP Thủ Đức cho biết: Hiện nay trên địa bàn có nhiều dự án phát triển nhà đang triển khai thực hiện, trong đó có một số dự án chủ đầu tư chưa xây dựng công viên, mảng xanh để phục vụ người dân. TP Thủ Đức đã nhiều lần đề nghị các chủ đầu tư thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Hiện nay vẫn chưa có chế tài, xử phạt đối với các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà chậm triển, chậm bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh cho nhà nước.
TP Thủ Đức đã kiến nghị Sở GTVT rà soát và sớm tham mưu cho UBND TP.HCM với các trường hợp chủ dự án, chủ đầu tư chậm trễ trong vấn đề này. Vấn đề liên quan đối với việc rà soát quỹ đất công viên cây xanh đã được quy hoạch thực hiện trong các dự án khu dân cư cũng như việc sử dụng công viên cho mục đích công cộng. Sở Xây Dựng TP.HCM cho biết: Vấn đề này. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận huyện và TP Thủ Đức để thực hiện rà soát. Sau khi rà soát sẽ yêu cầu các chủ đầu tư trong các khu dân cư phải xây dựng đầu tư đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Quận Bình Tân khánh thành công viên trung tâm lớn nhất quận (5,8ha). Đây là công viên hiếm hoi được xây dựng ở quận nội thành mở rộng.
Ban Đô thị HĐND TP.HCM thông tin, hiện nay thành phố có 21,74 ha công viên cây xanh tăng thêm, đạt khoảng 14,5% là rất thấp so với chỉ tiêu là phát triển thêm 150 ha công viên cây xanh tăng thêm. Chính vì vậy, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP triển nhiều nhiều biện pháp quyết liệt hơn. Cụ thể là tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, xã hội để tổ chức thực hiện tốt đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của TP giai đoạn 2021-2025.
Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP để thực hiện được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP, giai đoạn 2020 - 2025.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn TP; hướng dẫn lập, lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng hiện hữu. Sở rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác, để thực hiện việc thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch. Đồng thời đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, đề nghị đơn vị cần xác lập ranh mốc và triển khai số hóa thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý đối với các công viên công cộng trên địa bàn được giao quản lý. Đồng thời, nghiên cứu lập phương án sử dụng tổng mặt bằng các công viên đang quản lý để làm cơ sở tổ chức xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, khai thác các dịch vụ trong công viên theo quy định.
Phương Hà
Bình luận