Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ tư, 20/09/2023 14:09
TMO - TP. HCM được xác định là một trong những thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Địa phương này đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, chuyển đổi năng lượng xanh cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu nhưng đây cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước); về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
TP.HCM cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết. Theo đó, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể.
Giao thông đường bộ là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính cao tại TP.HCM. Ảnh: MQ.
Hiện, TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Song, để thực hiện quyết tâm trên, thành phố đã nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh: Mỗi ngày, số điện năng tiêu thụ của TP.HCM khoảng 90 triệu kWh, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài thành phố và chủ yếu từ nhiệt điện; điện xanh chỉ chiếm 7,6%. Do đó, mục tiêu của thành phố đến 2025 phải đạt 25% và 2030 đạt 35 - 40% điện sạch.
Giao thông đường bộ đang chiếm 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Hệ thống giao thông nội đô đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. Năm 2019, TP.HCM có 777 phương tiện trên 1.000 dân và xe ô tô khoảng 81 xe trên 1.000 dân. Vấn đề của thành phố là cần tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Đối với công tác xử lý rác thải, nước thải: Hàng ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 6 - 10%, rác sinh hoạt bình quân đầu người khoảng 0,98 kg mỗi ngày. Thứ 4 là tín chỉ carbon. Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, thành phố đang rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Hiên nay, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật, nguồn vốn… triển khai các hoạt động thực hiện giảm khí nhà kính, nỗ lực cùng cả nước hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. TP.HCM hiện đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị tại TP.HCM với mục tiêu hướng đến “thành phố không phát thải”. Dự án có 3 hợp phần chính, bao gồm: tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương; huy động nguồn lực đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, dự án cũng triển khai một số hoạt động liên quan đến quản lý khí nhà kính như hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Hỗ trợ các đơn vị phát thải khí nhà kính lớn nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính hàng năm; nghiên cứu các biện pháp sử dụng nước hiệu quả trong các cơ sở, công trình công lập tại TP.HCM và hỗ trợ các cơ sở sản xuất điện rác tại TP.HCM tham gia thị trường carbon. Theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 6-2023, dự án sẽ chạy mô hình, phân tích các kịch bản; từ tháng 6 đến tháng 9-2023 sẽ xây dựng lộ trình hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải.
TP.HCM đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển đô thị carbon thấp. Ảnh: TT.
Trước đó, TP.HCM đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới nhằm cam kết giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm kê khí nhà kính. Đây là cơ sở để xác định giải pháp giảm thiểu khí nhà kính phù hợp từng lĩnh vực, ngành nghề.
Song song đó, thành phố cũng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa 2 cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp. Mục tiêu của các Nhóm phát triển carbon thấp là xây dựng một kế hoạch đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp.
TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức lớn của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đòi hỏi thành phố phải từng bước thay đổi, có kế hoạch hành động, định hướng phát triển xanh, bền vững, trung hòa carbon, giảm phát thải.
Nhiều chuyên gia đề xuất các nhóm giải pháp cho 5 lĩnh vực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0 như: Trong lĩnh vực giao thông, giảm tt lệ sử dụng xe máy, ô tô, tăng t ỷlệ sử dụng phương tiện công cộng như metro, buýt và xe đạp; tăng t ỷlệ sử dụng nhiên liệu điện cho các loại phương tiện xe khách, xe buýt, xe máy, ô tô; thay thế nhiên liệu DO sang CNG cho phương tiện… Trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường phát triển điện gió, điện mặt trời áp mái... Trong hoạt động dân sinh và thương mại, triển khai các giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như sử dụng đèn LED, thiết bị tiết kiệm điện, thay thế bếp than bằng LPG...
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM. Theo kế hoạch, thành phố sẽ xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý rác theo quy định và phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả trong quản lý rác, xử lý nước thải nhằm giảm phát thải khí metan. Đồng thời có phương án thu hút nguồn lực quốc tế, tăng cường hợp tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cán bộ về quản lý phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn…
Thu Hoài
Bình luận