Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 31/01/2024 16:01
TMO - Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
TP. HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn là hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, TP.HCM cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Cùng xu hướng chung của thế giới, TP. HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu, nhằm đạt thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030; chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Thành phố đã hoàn thành xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 với các nguồn phát thải chủ yếu như công nghiệp, giao thông sinh hoạt và các hoạt động khác.
Mới đây, tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định: TP.HCM cũng như các đô thị lớn ở châu Á đang đối mặt với nhiều rủi ro và thiệt hại kinh tế từ biến đổi khí hậu. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam nhưng đang gặp thách thức lớn. 65% diện tích ở thành phố có độ cao dưới 1,5m so với mực nước biển; Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số làm tăng sức ép lên khu vực xanh". thiệt hại về kinh tế do ngập lụt lên đến 250 triệu USD, con số này có thể tăng lên trên 350 - 500 triệu USD mỗi năm đến 2030 nếu biến đổi khí hậu gia tăng. Riêng tại TP.HCM, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 50 triệu USD mỗi năm.
Cũng tại hội nghị này, TP.HCM kêu gọi kêu gọi quốc tế giúp Thành phố giảm phát thải, xây dựng và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, nhóm công tác chung TP.HCM và Ngân hàng thế giới (WB) đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD. Dự kiến, dự án được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 - 2025 và tiến hành thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
Dự án được triển khai sẽ tạo ra hệ thống quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và tư, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của thành phố. Dự án Đô thị carbon thấp tại TP.HCM được xây dựng trong 18 tháng qua, với mục tiêu giúp thành phố giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.
Dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn như: nâng cấp lên đèn đường LED; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn Tp; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà công và tư nhân; nâng cấp lên phương tiện giao thông chạy bằng điện… Trong đó, thông qua giải pháp nâng cấp lên đèn đường LED, mức tiêu thụ điện của đèn đường so với hiện nay có thể giảm được 50 - 60%, đồng thời tuổi thọ dài gấp 4 lần so với công nghệ chiếu sáng truyền thống.
TP. HCM thúc đẩy tăng trưởng xanh với việc kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm.
TP. HCM được đánh giá có tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà rất lớn khi có lượng bức xạ cao hơn mức trung bình. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, duy trì liên tục xuyên suốt năm và không gặp bất kỳ gián đoạn nào như miền Bắc. Số giờ nắng có thể lên tới 300 giờ vào mùa khô và chỉ giảm xuống khoảng 150 giờ vào mùa mưa. Do đó giải pháp trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhóm chuyên gia cho rằng có thể giảm từ 14-36% chi phí đầu tư do tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà/nhà máy xử lý nước thải sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho các đơn vị sở hữu tòa nhà/nhà máy, giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra sự ổn định trong khâu cung cấp điện và giá điện. Việc chuyển đổi sang xe điện sẽ góp phần tiết kiệm chi phí vận hành và đóng góp vào công cuộc giảm phát thải, và cải thiện đáng kể chất lượng không khí của thành phố.
Như vậy, nếu dự án được thực hiện, TP.HCM sẽ tiết kiệm được 981 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nguồn thu từ tín chỉ carbon trong 10 năm là 1.602 tỷ đồng, tương đương 67 triệu USD (giả định tín chỉ carbon là 20 USD/tín chỉ). Trong đó, 645,9 tỷ đồng sẽ đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách thành phố và 957 tỷ đồng được tạo ra từ tổng lượng giảm phát thải của các giải pháp triển khai bởi khối tư nhân.
Thời gian qua, TP. HCM tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu những vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế xanh và vấn đề mới, trong đó năng lượng áp mái, hiện Việt Nam đang vướng nhiều quy định để doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch, có tín chỉ xanh tham gia thị trường. TP.HCM đang cùng WB triển khai trao đổi về thị trường tín chỉ carbon và dự kiến trong quý 1-2024 sẽ hoàn thành khung hợp tác. Các nỗ lực không chỉ tạo môi trường kinh doanh, mà còn tiếp nhận khuyến nghị để làm sao TP.HCM kiến tạo môi trường kinh doanh phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng Xanh, đã công bố danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm. Trong 28 dự án nêu trên có nhiều dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn; sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dự án trung tâm dữ liệu. Cụ thể, có ba dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn trên diện tích 5,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.100 tỷ đồng; ba dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn cần nguồn vốn 213 tỷ đồng.
Đồng thời, TP.HCM tiếp tục kêu gọi đầu tư vào một số dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, đáng chú ý là khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với diện tích 7,7 ha, tổng mức đầu tư 12.071 tỷ đồng; quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 5.348 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị.
Nguyễn Mai
Bình luận