Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 13:01
Thứ ba, 17/09/2024 08:09
TMO - TP. HCM đẩy mạnh triển khai thực hiện các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch gắn liền với du lịch. Theo đó, Thành phố đã xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch nông nghiệp để giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT thành phố, các huyện ngoại thành TP.HCM có nhiều lợi thế để gắn kết với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn tại thành phố. TP.HCM có một số làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển có thể gắn kết phát triển du lịch như làng muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Đây là những làng nghề truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 100 năm.... Đây đều là những làng nghề có khả năng gắn kết hoạt động sản xuất với phát triển du lịch.
TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện Chương trình OCOP, theo hướng tập trung phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao, sản phẩm OCOP với tính sáng tạo. Sản phẩm OCOP được đánh giá trong thời gian qua như mật dừa nước của huyện Cần Giờ; bột rau má của huyện Củ Chi; cà phê hương đậu xanh, khoai môn, matcha của huyện Hóc Môn… đều là những sản phẩm mang đặc trưng riêng của thành phố, mà du khách có thể trực tiếp tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất đối với từng sản phẩm.
Ngoài ra, xu hướng khám phá, trải nghiệm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tại khu vực nông thôn ngày càng tăng cao đối với người dân thành phố. Với hơn 9 triệu dân sinh sống, lượt khách quốc tế đến Thành phố bình quân đạt 7-8 triệu lượt du khách, lượt khách nội địa khoảng 29-32 triệu lượt người, rất thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu tour du lịch sinh thái.
Du khách tham quan vườn nho tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, TP. Thủ Đức.
Thời gian qua, những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương. Đây được đánh giá là xu hướng phát triển của du lịch TP.HCM trong thời gian tới, góp phần tạo sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, bên cạnh đó, thúc đẩy triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Là một trong những địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, TP.HCM đã xây dựng và quy hoạch phát triển các làng nghề gắn với du lịch. Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở TP.HCM đã có sự quan tâm đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đã phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như nông nghiệp công nghệ cao, hái trái thưởng thức tại vườn và mua mang về... được nhiều du khách yêu tích. Chẳng hạn, huyện Cần Giờ có mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An. Mô hình này được triển khai từ cuối năm 2022 đến nay, đã đón khoảng 4.500 lượt khách. Khi đến đây, du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch nông nghiệp mới mẻ như: “tắm" rừng, đua bạch tuộc, tìm hiểu nghề làm muối hay thưởng thức những đặc sản địa phương…
Tại thành phố Thủ Đức thời gian gần đây phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp xanh như Suối Tiên Farm, nông trại rau sạch... Tại Khu Du lịch và Văn hóa Suối Tiên đơn vị đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp độc đáo từ việc khai thác các vườn trái cây "độc lạ", chẳng hạn như tour tham quan hái trái tại vườn sung Mỹ. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đến trải nghiệm độc đáo.
UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển các tour du lịch về văn hoá, lịch sử, sinh thái với 20 tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp như: mô hình trồng dưa Huỳnh Long, làng mai vàng Bình Lợi, mô hình nuôi cá Koi trong ao đất... Tuy nhiên, dù giới thiệu quảng bá rộng rãi nhiều nhưng một số điểm đến vẫn còn vắng khách. Vì vậy, huyện mong muốn các doanh nghiệp lữ hành liên kết xây dựng, quảng bá để sản phẩm du lịch nông nghiệp được nhiều du khách biết đến.
Thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2025, UBND TP.HCM lên kế hoạch khuyến khích, vận động các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, gắn với bảo tồn làng nghề, phát huy vai trò chuỗi liên kết du lịch nông thôn.
Theo đó, UBND TP.HCM đẩy mạnh kế hoạch phát triển du lịch nông thôn tại thành phố dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; thông qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, phải nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Du khách trải nghiệm nghề làm muối tại ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và thống nhất giữa các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện trong tổ chức triển khai thực hiện, phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch.
TP.HCM hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Đến năm 2025, mỗi huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu xây dựng 02 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Trong phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, thành phố phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng lên kế hoạch thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư (PPP), hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP) trong phát triển du lịch nông thôn; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và phát triển du lịch nông thôn có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách có liên quan phát triển du lịch nông thôn của thành phố, trong đó ưu tiên hỗ trợ các dự án gắn với phát triển du lịch.
Hiệp hội Du lịch thành phố khuyến khích, vận động các hội viên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, gắn với bảo tồn làng nghề, phát huy vai trò chuỗi liên kết du lịch nông thôn; phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các chương trình khảo sát kết nối các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến các điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng chương trình du lịch, quảng bá các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố.../.
Hồng Ngát
Bình luận