Hotline: 0941068156
Thứ ba, 10/12/2024 16:12
Thứ ba, 21/11/2023 07:11
TMO - Đến năm 2025, TP.HCM sẽ có khoảng 10 chương trình du lịch, kết nối từ cảng biển với các tuyến đường sông, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy của thành phố.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cho biết TP. HCM có mạng lưới giao thông đường thủy có khả năng khai thác gồm 101 tuyến, với tổng chiều dài là 913km. Đặc biệt lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường sông.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 ca-nô, tàu gỗ nhỏ. Trên địa bàn thành phố hiện có 13 cảng thủy nội địa và 229 bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó 19 bến hàng hóa, 71 bến hành khách, hai bến hành khách-hàng hóa, 14 bến neo đậu, 25 bến khách ngang sông... Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch thành phố. Thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.
Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch TP. HCM. Ảnh: GM.
Trong năm 2023, TP. HCM đẩy mạnh nhiều hoạt động du lịch đường thủy nhất từ trước đến nay. Ngay trong tháng 8/2023, Lễ hội sông nước TP. HCM lần thứ nhất được tổ chức. Lễ hội là chuỗi hoạt động văn hóa-giải trí-nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật và đa dạng các hoạt động.
Sở Du lịch TP. HCM cho biết, Lễ hội đã đem lại nguồn cảm hứng và những khám phá, trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của TP. HCM qua các thời kỳ. Lễ hội giúp ngành chức năng có cái nhìn cụ thể trong lộ trình phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn, từng bước định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP. HCM.
Tháng 9 vừa qua, tại Quận 3, TP. HCM đã cho ra mắt sản phẩm du lịch với tên gọi “Du ngoạn sử xanh”. Đây là tour du lịch khám phá vẻ đẹp năng động của Quận 3 xen lẫn nét cổ kính mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đang được giữ gìn trên địa bàn quận bằng việc ngao du trên kênh Nhiêu Lộc. Điểm nổi bật là tham gia tour, du khách được cung cấp các kiến thức về bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động làm hoa đăng bằng giấy bột tre và thả cá cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.
Đầu tháng 11/2023, hơn 200 du khách quốc tế tới TP. HCM bằng tàu biển đã lựa chọn tua du lịch “Một thoáng Sài Gòn” trên dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè có lộ trình dài 4,5 km xuất phát từ bến tàu du lịch Quận 1 và kết thúc ở bến tàu du lịch Quận 3. Du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách. Nhiều khách du lịch khi tới TP. HCM đều tìm hiểu về tour này và đăng ký mua tua không chỉ khách nội địa, hiện nay, khách quốc tế chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan ở tuyến du lịch này.
Trong năm 2023, TP.HCM đẩy mạnh nhiều hoạt động du lịch đường thủy nhất từ trước đến nay.
Các công ty lữ hành du lịch, đường thủy tại TP. HCM còn xây dựng nhiều tua khác như: Chèo sup lướt sông Sài Gòn; Xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ, Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, Trải nghiệm buýt đường sông về đêm…Tuy nhiên theo đánh giá của một số công ty du lịch lữ hành, hạn chế của các sản phẩm du lịch đường thủy tại TP. HCM hiện nay là thiếu tính đa dạng về sản phẩm dịch vụ. Vì thế, dù rất quan tâm nhưng số lượng khách có nhu cầu tham gia trải nghiệm du lịch đường thuỷ còn khiêm tốn. Theo số liệu của Sở Du lịch TP. HCM, số lượt khách tham gia các tua du lịch đường thủy hàng năm chỉ đạt khoảng 350.000 lượt, chiếm 2% so với tổng lượt khách tới TP. HCM. Các sản phẩm du lịch đường thuỷ hiện chủ yếu là các chương trình du ngoạn sông và ẩm thực, còn thiếu sắc màu của lễ hội, khai thác những đặc trưng nổi bật của văn hoá sông nước Nam bộ và TP. HCM.
Trước thực trạng trên, Sở Du lịch TP. HCM đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 3793 về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 đã xác định các sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa, vì đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.
Ngành Du lịch TP. HCM đặt mục tiêu, đến năm 2025 là sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), được liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố. Để đạt được mục tiêu, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, thành phố phải có các bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch; có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch, cùng sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy.
Hồng Ngọc
Bình luận