Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 09/12/2021 13:12
TMO - Các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến trong dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, đặc biệt những quy định về Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR).
Thời hạn áp dụng EPR: Ý kiến trái chiều
Theo Dự thảo Nghị định thời hạn áp dụng trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải bắt đầu 1/1/2023. Còn thời hạn áp dụng quy định về trách nhiệm tái chế sẽ tùy thuộc vào từng nhóm sản phẩm, cụ thể, nhóm bao bì; ắc quy – pin; dầu nhớt và săm lốp sẽ áp dụng từ 1/1/2024; sản phẩm điện và điện tử từ 1/1/2025 và phương tiện giao thông là từ 1/1/2027.
Với thời hạn này, một số doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời hạn thực thi EPR nên lùi lại.
Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội giấy, Hiệp hội nhựa cùng hơn 30 cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị không lùi thời hạn thực thi EPR. Thậm chí, các tổ chức này còn đề xuất thời điểm áp dụng quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành, tức là ngày 1/1/2022.
Theo các tổ chức trên, Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu cấp thiết phải giảm lượng chất thải phát sinh và tăng tỷ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng. Thống kê cho thấy, chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Nếu không có hành động và chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa đại dương trong những năm tới. Hơn nữa, nếu lùi thời hạn áp dụng quy định về trách nhiệm tái chế, chúng ta sẽ bị gián đoạn trong việc thực hiện Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi các sản phẩm thải bỏ.
Thực tế, tác động của Covid đến các nhóm ngành hàng là khác nhau, một số nhà sản xuất thậm chí còn được hưởng lợi từ Covid. Vì vậy, nếu Chính phủ coi việc lùi thời hạn để chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp thì cần lựa chọn từng sản phẩm cụ thể chứ không nên lùi thời hạn áp dụng của cả nhóm hàng lớn.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc
Sau cuộc họp với một số hiệp hội, Bộ TNMT đã điều chỉnh, giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với một số mặt hàng, trong đó, phương tiện giao thông giảm từ 1,8% đến 2,25% xuống còn 0,5% đến 1%, nghĩa là giảm 3-4 lần trong khi thời hạn thực hiện là 2027. Đối với các mặt hàng khác, Bộ TN&MT giữ nguyên qua điểm, không giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc.
Trước quan điểm này, một số nhà sản xuất, nhập khẩu tiếp tục đề xuất giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc với những lí do như: hệ thống thu gom chưa được thiết lập; năng lực tái chế ở Việt Nam chưa sẵn sàng; người dân không chịu trả lại sản phẩm thải bỏ; ác doanh nghiệp sản xuất sẽ cần nhiều thời gian để thiết lập hệ thống, mạng lưới thu gom và cơ sở hạ tầng tái chế có liên quan, và vì vậy tỷ lệ tái chế là quá cao cho các doanh nghiệp này có thể thực hiện...
Trái ngược với quan điểm trên, Hiệp hội giấy và các hiệp hội, tổ chức môi trường khác cho rằng, việc cho rằng mạng lưới thu gom và cơ sở hạ tầng tái chế chưa sẵn sàng cho việc thực hiện EPR là chưa chính xác. Hệ thống thu gom và tái chế ở Việt Nam đang vận hành còn hệ thống chưa sẵn sàng mà các doanh nghiệp và hiệp hội đề cập là hệ thống của chính các doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định cho phép các doanh nghiệp ngoài việc tự tổ chức và thực hiện toàn bộ quá trình từ thu gom và tái chế thì còn có thể thuê đơn vị tái chế - các đơn vị đã có sẵn năng lực tái chế và sự kết nối với mạng lưới thu gom đang vận hành hoặc uỷ quyền cho bên thứ ba để tổ chức thực hiện theo nhóm.
Bên cạnh đó, việc cho rằng hệ thống tái chế chưa đủ năng lực cho thực hiện EPR là chưa chính xác. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng đối với cơ sở tái chế được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã có tới 170 cơ sở, riêng năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu tới hơn 10 triệu tấn phế liệu. Thực tế năng lực tái chế của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống thu gom được hình thành và hoạt động vô cùng hiệu quả, nhất là khối tư gom tư nhân tại các làng nghề tái chế...
Hơn nữa, tỷ lệ tái chế ở Việt Nam hiện nay là quá thấp không chỉ không thu hút được nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế mà còn không đảm bảo việc chia sẻ lợi ích và tận dụng được hiệu quả thu gom, phân loại của hệ thống dân lập. Bên cạnh hệ thống thu gom phi chính thức hoạt động hiệu quả hơn hệ thống chính thức, công nghệ trong ngành công nghiệp tái chế hiện nay đã phát triển vượt bậc so với 20 năm trước khi Châu Âu và Hàn Quốc bắt đầu áp dụng EPR, do đó, việc Việt Nam quy định thấp hơn cả các nước EU và Hàn Quốc cách đây 20 năm là không phù hợp.
Lan Ngọc
Bình luận