Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ năm, 13/01/2022 15:01
TMO - Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngành năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”. Ở nước ta, Ninh Thuận được coi là tỉnh có lợi thế to lớn nhất để phát triển năng lượng tái tạo.
Ninh Thuận nằm ở cực Nam Trung Bộ, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, có điều kiện khí hậu đặc thù nhiều nắng, gió, rất thuận lợi để phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/s; nguồn bức xạ mặt trời vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm, đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 MW điện gió, hơn 8.000 MW điện mặt trời nên ngay từ rất sớm, tỉnh Ninh Thuận đã có định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn năng lượng tái tạo được vận hành trên địa bàn Ninh Thuận là 2.680 MW, sản lượng điện phát tối đa là 3,5 tỉ kWh.
Tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để tận dụng và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo
Trong đó, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện Mặt Trời với tổng công suất 2.576 MW; trong đó, có 32 dự án điện Mặt Trời với tổng công suất 2.256 MW đã đưa vào vận hành thương mại.
Đối với phát triển năng lượng điện gió, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Công Thương đã phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 841 MW điện gió. UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng công suất 766,45 MW. Đến nay, có 3 dự án với tổng công suất 181,55 MW đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại và 12 dự án còn lại đang được tích cực triển khai đầu tư.
Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận cũng đã lập Quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng) công suất 6.000 MW (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch giai đoạn một công suất 1.500 MW. 4.500 MW sẽ xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII).
Trong năm qua, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đóng góp không nhỏ đến thu ngân sách của địa phương. Và phải kể đến là đóng góp từ công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận. Công trình được đưa vào khai thác đã trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện quốc gia. Đặc biệt, tạo cú huých đưa tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, góp phần đảm an ninh năng lượng quốc gia và vừa góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu, thời gian tới tỉnh Ninh Thuận sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách như bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đầu tư đường truyền tải điện; các ưu đãi khác.
Minh Huệ
Bình luận