Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 21/10/2024 11:10
TMO - Thực hiện Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk sẽ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được ban hành) nễu rõ các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Theo đó, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng giao thông nông thôn; hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông; hạ tầng lưới điện; hạ tầng cấp nước, thuỷ lợi; hạ tầng số; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, khu vực động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả. Dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án sử dụng vốn ODA.
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường. Ảnh minh họa.
Quan tâm thực hiện các dự án hạ tầng phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội, an sinh xã hội; đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy chữa cháy, quốc phòng, an ninh.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đầu tư công. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Phát triển hệ thống giao thông liên vùng, nâng cao năng lực hoạt động vận tải.
Trước đó, ngày 30/12/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 là 11%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,6%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5%, khu vực dịch vụ chiếm 35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,9%. Tỷ trọng kinh tế số đạt 20%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47%. 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Đối với nông nghiệp, Đắk Lắk sẽ xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk; phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng xanh, tuần hoàn. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; phát triển kinh tế rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ cacbon.
Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm kinh tế khu vực Tây Nguyên.
Đối với công nghiệp, phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp…/.
HOÀI AN
Bình luận