Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/07/2025 02:07
Thứ tư, 16/07/2025 14:07
TMO - Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện truyền thông và quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng thống nhất, nâng mức độ nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và nền tảng số lên ít nhất 80%.
Dự thảo Chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài (Chiến lược) đề ra mục tiêu thúc đẩy thông tin tích cực về Việt Nam trong và ngoài nước nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “Ổn định, phát triển, đổi mới sáng tạo và giàu bản sắc văn hóa”, qua đó nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Trong đó, giai đoạn 2025 – 2030: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng chung của Chiến lược. 100% các thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tập trung xây dựng thương hiệu địa phương mạnh.
Truyền thông thúc đẩy góp phần đưa văn hoá Việt Nam hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Truyền thông thúc đẩy nhằm góp phần đạt mục tiêu đưa các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước. Truyền thông thúc đẩy góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; thu hút ít nhất 22 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2025 và 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030.
(Ảnh minh họa).
Tiếp đến trong giai đoạn 2030 - 2035: Truyền thông thúc đẩy nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước”. Truyền thông thúc đẩy thứ hạng hình ảnh quốc gia Việt Nam mỗi năm tăng ít nhất 1 bậc theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới. Truyền thông thúc đẩy góp phần đưa Việt Nam nằm trong nhóm 40 quốc gia có mức độ xuất hiện tích cực cao trên truyền thông quốc tế, theo các bảng xếp hạng truyền thông toàn cầu.
Đẩy mạnh phân phối thông tin về Việt Nam trên môi trường số nhằm thúc đẩy tăng ít nhất 80% nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và các nền tảng số. Tổ chức ít nhất 10 chiến dịch truyền thông trọng điểm mang tầm quốc tế, tăng sự nhận diện về hình ảnh quốc gia Việt Nam “ổn định, phát triển, đổi mới sáng tạo và giàu bản sắc văn hóa”.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch. Tại thành phố Hà Nội đã ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo tàng, di tích, di sản văn hóa với 100% di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được số hóa và tích hợp trên nền tảng số. Nhiều điểm đến như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã ứng dụng công nghệ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá với các hệ thống thuyết minh tự động, bán vé điện tử.
Trong khi đó, TP.HCM đã xây dựng trạm hỗ trợ thông tin với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D hiển thị hình ảnh, video cùng thông tin hữu ích, phục vụ du khách. Tại tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai số hóa, phát triển du lịch thông minh - Smart Travel được đẩy mạnh tại 8 khu, điểm du lịch gồm: Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Am Tiên, Pù Luông, bản Mạ, thác Mây, đền Sòng, đền Cửa Đạt; đồng thời quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch, thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như: Ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, hệ thống thẻ - vé điện tử, các kênh truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok.../.
Lê Hằng
Bình luận