Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ bảy, 09/04/2022 07:04
TMO - Tây Nguyên có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính sách, giao thông làm cơ sở phát triển các sản phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm chủ lực như cà phê, bơ…Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khiến chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có này.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chủ lực được kể đến đó là: kỹ thuật trồng trọt và thu hái cà phê chưa tốt, tình trạng thu hái đồng loạt cả quả xanh, quả non còn khá phổ biến; cơ sở vật chất phục vụ sơ chế bảo quản cà phê còn thiếu thốn; cơ chế giá thu mua cà phê tươi chưa khuyến khích người sản xuất quan tâm đến chất lượng, nhất là khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần triển khai những biện pháp đồng bộ như thu hút các doanh nghiệp chế biến cà phê đầu tư vào các vùng trồng các sản phẩm chủ lực, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn trong khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại. Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài về vốn, khoa học công nghệ để xây dựng các nhà máy chế biến phục vụ cho xuất khẩu.
Cà phê, một trong những sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên.
Cần xác định thế mạnh về sản phẩm chủ lực cho Tây Nguyên để tập trung nguồn lực xây dựng thế mạnh cho khu vực đó. Cần có một hệ thống pháp luật để các doanh nghiệp, hoặc các hiệp hội có thể đăng kí các quyền sở hữu và sử dụng nhãn hiệu cho chủng loại đặc trưng của địa phương mình; qua đó có thể tiếp tục xây dựng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Cần phối hợp đồng bộ tất cả các khâu từ việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho đến trồng trọt, chăm bón, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Cần có chiến lược tổng thể với những chương trình hành động cụ thể liên kết các nhà khoa học, nông dân, nhà kinh doanh, các nhà tiếp thị, quảng bá, ngân hàng và các cơ quan chức năng cùng góp sức để xây dựng những tên tuổi của sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên. Chính quyền địa phương cần tiếp tục có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó có chương trình xây dựng thương hiệu. Có thể hỗ trợ dưới hình thức giúp đào tạo nhân lực, giúp thông tin tư vấn thị trường, tư vấn pháp lý cần thiết xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài.
Liên kết chuỗi trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ lực hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê chủ yếu thu mua qua trung gian; sản xuất không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế thu mua, phân loại chưa tạo động lực cho nông dân cải thiện chất lượng cà phê trong thu hái, sơ chế.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh sự liên kết, cần phải tăng cường triển khai các dự án chia sẻ, chuyển giao kiến thức tại vùng thực địa. Mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghê thông tin, đẩy mạnh truyền thông để gắn kết “4 nhà”: nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - Nhà nước, với mục đích khi nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, thì phải có đầu ra, thị trường ổn định; doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng được thương hiệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm khi có vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn; Chính phủ cần phát triển bền vững ngành hàng cà phê thành ngành hàng nông sản chủ lực.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ không chỉ đơn thuần là áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hóa,… vào trồng trọt mà quan trọng là thay đổi bản thân quy trình và công nghệ, quy luật sinh học, tạo ra các giống cây, con ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và kháng bệnh; Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu đa dạng về sinh học và phát triển bền vững; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tập trung vào những lĩnh vực chính như chuyển đổi gien mang những tính trạng tốt vào giống cây trồng mà phương pháp chọn giống truyền thống không tạo ra được.
Một vấn đề cũng rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên là hạ tầng giao thông. Theo các chuyên gia, ngoài hệ thống giao thông đường bộ hiện tại, cần đầu tư xây dựng và nâng cấp hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và vùng Tây Nguyên.
Lê Huýnh
Bình luận