Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 13:01
Chủ nhật, 08/09/2024 06:09
TMO - Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu là giải pháp quan trọng để quy tụ và tối ưu nguồn lực các địa phương, thúc đẩy vùng phát triển xứng tầm và bền vững cho khu vực này.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.
Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thủy sản quan trọng như gạo, thủy sản (tôm, cá tra...) và rau quả trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, quýt... Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của vùng bao gồm cả các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như: Trung Quốc, Philippines và Malaysia, Bờ biển Ngà và các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Đối với mặt hàng rau quả, việc nhiều loại trái cây đã được tiếp tục khơi thông, thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường truyền thống, “khó tính” như sầu riêng (tươi, đông lạnh), dừa tươi vào Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường New Zealand… đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.
Đối với mặt hàng thủy sản, đồng bằng sông Cửu Long hiện đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cá tra và tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao và là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng. Các sản phẩm công nghiệp trong khu vực còn hạn chế chủ yếu trong một số ngành như may mặc, giầy dép. Các mặt hàng công nghiệp khác, công nghiệp chế biến trong khu vực còn ít chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực.
Thời gian qua, chất lượng tăng trưởng của vùng được nâng lên với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%. Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8 % so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Về nhập khẩu, vùng đồng bằng sông Cửu Long nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. 2 địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỷ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước; tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành;
Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp Vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển tạo thành điểm nghẽn, từ đó hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ xúc tiến thương mại. Công tác xúc tiến thương mại của vùng còn thiếu đồng bộ, các hoạt động thường chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức.
Ngoài ra, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra. Sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước, giữa thị trường trong vùng với thị trường quốc tế, dẫn tới sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, khó thu hút các dự án đầu tư quy mô và dài hạn.
Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu.
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng cần có định hướng và tầm nhìn phát triển là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững của quốc gia, khu vực và thế giới; trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững. Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng;
Chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; Phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; Sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Ngoài ra, về phía Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần đẩy mạnh trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước.
Ngọc Lan
Bình luận