Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ sáu, 26/08/2022 18:08
TMO – Hè 2022, các nước khu vực châu Âu đã và đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục “như ngày tận thế”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân khu vực này. Nắng nóng đã khiến gần 2.000 người dân châu Âu thiệt mạng, nhiều khu rừng bị lửa thiêu rụi.
Theo các nhà nghiên cứu, các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán diễn ra đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia, đặc biệt là khi sản xuất lương thực bị ảnh hưởng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng do các mối liên hệ kinh tế - xã hội phức tạp, những sự kiện cực đoan như vậy có thể gây ra các tác động mạnh. Cần có các đánh giá rủi ro có hệ thống hơn để làm cho các khu vực bị ảnh hưởng có khả năng chống chịu tốt hơn.
Mùa hè năm 2022, nhiều khu vực ở châu Âu xẩy ra hạn hán kéo dài kết hợp với nhiệt độ cao kỷ lục. Các đợt nắng nóng, tình trạng thiếu nước và cháy rừng đang đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực nam, tây và trung Âu. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy, vốn hỗ trợ lẫn nhau, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và hệ thống - y tế, nông nghiệp, sản xuất lương thực, cung cấp năng lượng và hệ sinh thái, cũng như nền kinh tế và xã hội rộng lớn hơn.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hướng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo các nhà nghiên cứu (Khoa Địa lý tại Đại học Zurich - UZH), tám hiện tượng nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt ở châu Âu, châu Úc và châu Phi xảy ra trong 20 năm qua. Bên cạnh việc xem xét các hậu quả trực tiếp và gián tiếp đối với các lĩnh vực và hệ thống khác nhau, họ cũng nghiên cứu tác động của các phản ứng đối với các sự kiện đó. Những tổn thất tài chính, chẳng hạn, có thể rất đáng kể. Trong các trường hợp được nghiên cứu, chúng dao động từ vài trăm triệu đến vài tỷ đô la Mỹ. Trong những trường hợp nghiêm trọng như cháy rừng ở Úc năm 2019/2020, thiệt hại lên đến xấp xỉ 100 tỷ đô la Mỹ, tương đương hơn 5% GDP của Úc.
Tác động của nắng nóng và hạn hán đồng thời không chỉ giới hạn ở những ảnh hưởng trực tiếp riêng lẻ của chúng đối với các khu vực khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một mạng lưới liên kết giữa các lĩnh vực tương tác trực tiếp và gián tiếp, gây ra tổn thất và thiệt hại bổ sung trong một số lĩnh vực khác, đặc biệt là y tế, năng lượng, nông nghiệp và cung cấp thực phẩm.
Chính tính liên kết nhiều lớp này làm cho rủi ro của các sự kiện cực đoan trở nên phức tạp - và rất quan trọng. Các hiệu ứng phân tầng lan rộng trên nhiều lĩnh vực và có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với các hệ thống thiết yếu.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, các biện pháp thích ứng được thực hiện để chống lại các hiện tượng nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt hầu hết chỉ mang tính phản ứng và ở phạm vi hạn chế. Trong một số trường hợp, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về việc sai lệch các biện pháp: đó là các hành động của một lĩnh vực này đôi khi có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là đối với lĩnh vực năng lượng và nước, kinh tế, xã hội, văn hóa và hệ sinh thái.
Nhận định trong tương lai, việc đánh giá rủi ro không nên chỉ tính đến hậu quả của các sự kiện cực đoan đối với các lĩnh vực riêng lẻ mà nên xem xét một cách có hệ thống tính liên kết của các lĩnh vực và hệ thống. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng thích ứng và khả năng phục hồi của các vùng bị ảnh hưởng. Khi khí hậu nóng lên, các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, khốc liệt hơn và kéo dài hơn. Để giảm thiểu rủi ro ngày càng tăng này cho xã hội, ngoài việc đẩy mạnh các nỗ lực và đầu tư vào việc thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, cần có sự hợp tác quốc tế nhằm tăng sức chống chịu tốt hơn.
Lan Hương
Bình luận